XU HƯỚNG VN – INDEX
Diễn biến trong tuần:
Tuần 14–18/04, VN-Index tiếp tục chuỗi điều chỉnh, mất mốc hỗ trợ quan trọng và kết tuần tại 1,219.12 điểm. Mặc dù có sự phục hồi trong một số phiên giữa tuần, áp lực bán vào cuối phiên khiến đà tăng không bền vững. Cấu trúc kỹ thuật chuyển sang trung tính - nghiêng tiêu cực với tín hiệu phân phối ngắn hạn rõ rệt.
Thanh khoản và tâm lý thị trường:
Thanh khoản cải thiện nhẹ về cuối tuần, đạt trung bình ~21,000 tỷ đồng/phiên, tăng so với đầu tuần nhưng vẫn thấp hơn mức trung bình 5 phiên trước đó. Dòng tiền có dấu hiệu quay lại nhẹ, chủ yếu vào nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ.
Kịch bản tuần tới:
Tích cực: VN-Index giữ vững vùng hỗ trợ 1,200 điểm, lực cầu xuất hiện rõ nét → chỉ số hồi phục về vùng 1,235 – 1,250.
Trung lập - xác xuất cao: VN-Index nhiều khả năng sẽ tiếp tục dao động tích lũy trong vùng 1,200 – 1,230 điểm. Lực cầu bắt đáy có xuất hiện nhưng chưa đủ mạnh để tạo bứt phá, trong khi áp lực bán từ các nhịp hồi vẫn hiện hữu. Cấu trúc kỹ thuật nghiêng về trung tính, chưa có tín hiệu tạo đáy rõ ràng. Chỉ số có thể cần thêm thời gian để hấp thụ áp lực cung và tích lũy lại vùng giá.
Khuyến nghị hành động: Ưu tiên quan sát – Tận dụng nhịp hồi kỹ thuật để cơ cấu danh mục, hạn chế mua đuổi, chờ xác nhận đáy hoặc lực bật mạnh trước khi gia tăng tỷ trọng cổ phiếu.
Tiêu cực: Thị trường mất mốc 1,200, kiểm định vùng sâu hơn 1,165 – 1,180.
XU HƯỚNG DÒNG TIỀN
Khối ngoại
Trong tuần qua, khối ngoại tiếp tục bán ròng mạnh với giá trị lên tới 4.600,3 tỷ đồng, tập trung chủ yếu vào các cổ phiếu vốn hóa lớn như VIC (-4.361,3 tỷ đồng), HCM (-371,8 tỷ đồng) và FPT (-344,1 tỷ đồng). Xu hướng bán ròng cho thấy sự rút lui của dòng vốn ngoại khỏi các cổ phiếu dẫn dắt trong bối cảnh tâm lý thị trường còn nhiều bất ổn, đặc biệt là trước các yếu tố quốc tế như căng thẳng thương mại và định hướng chính sách tiền tệ toàn cầu.
Nhóm ngành
Về diễn biến theo ngành, các nhóm Hàng & Dịch vụ Công nghiệp (+9,0%), Bán lẻ (+5,0%) và Du lịch & Giải trí (+4,1%) ghi nhận mức tăng mạnh nhất trong tuần, cho thấy sự chuyển dịch dòng tiền sang các nhóm có câu chuyện tăng trưởng riêng và hưởng lợi từ yếu tố mùa vụ hoặc phục hồi tiêu dùng. Ở chiều ngược lại, nhóm Công nghệ Thông tin (-5,5%), Dầu khí (-2,2%) và Ngân hàng (-1,5%) chịu áp lực chốt lời, phản ánh rủi ro điều chỉnh kỹ thuật sau giai đoạn tăng trước đó.
Nhận định
Dòng tiền vẫn đang phân hóa mạnh, với tâm lý thị trường thiên về thận trọng. Nhà đầu tư cá nhân tuy chiếm ưu thế về giao dịch nhưng cũng đang trong trạng thái "lướt sóng" ngắn hạn. Tự doanh tỏ ra linh hoạt hơn khi chọn lọc cổ phiếu để cơ cấu danh mục, còn khối ngoại vẫn tiếp tục xu hướng rút vốn, đặc biệt ở nhóm bluechips. Trong bối cảnh này, nhà đầu tư nên ưu tiên quan sát các cổ phiếu đầu ngành đồng thời hạn chế chạy theo các nhịp sóng ngắn hạn không rõ ràng.
THẾ GIỚI
Kinh tế & Thị trường Thế giới
Kinh tế & Thị trường Thế giới Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang sau khi Nhà Trắng công bố thuế mới lên tàu Trung Quốc, gây lo ngại chuỗi cung ứng toàn cầu. EU cũng đối mặt nguy cơ mất ~1.250 tỷ USD giá trị thương mại. Tuy nhiên, tuyên bố “không áp thêm thuế” từ phía Mỹ đã giúp ổn định phần nào tâm lý thị trường.
Lợi suất TPCP Mỹ và đồng USD đồng loạt hạ nhiệt, phản ánh kỳ vọng chính sách tiền tệ sẽ mềm hơn trong thời gian tới. USD Index (DXY) giảm -4,5% trong 1 tháng, vàng tăng mạnh +3% trong tuần, cho thấy tâm lý phòng thủ đang quay trở lại. Đồng thời, dầu Brent tăng +4,9% do lo ngại nguồn cung thắt chặt bởi yếu tố địa chính trị và OPEC+.
Chứng khoán toàn cầu biến động mạnh:
Mỹ: Dow Jones (-2,7%), Nasdaq (-2,3%), S&P 500 (-1,5%) điều chỉnh sau chuỗi tăng nóng. Tâm lý phòng thủ gia tăng do lo ngại về lãi suất cao & chính sách thuế.
Châu Á: Diễn biến phân hóa, nổi bật Nikkei JP225 (+3,4%), HK50 (+2,3%), trong khi CSI300 chỉ +0,6% do tâm lý dè dặt.
Tài sản an toàn hút dòng tiền:
Giá vàng tăng mạnh +3% trong tuần, tích lũy +26,5% từ đầu năm.
Dầu Brent tăng +4,9% do lo ngại nguồn cung.
Bitcoin ổn định (+0,4% WTD), nhưng vẫn -10% YTD.
Chi tiết báo cáo Quý nhà đầu tư vui lòng tham khảo tại: Báo cáo tuần 4 - tháng 4.pdf
LƯU Ý NHÀ ĐẦU TƯ
Quý khách nên đọc kỹ các rủi ro mà chúng tôi dự phòng và đề cập trong báo cáo, cũng như nhận diện được rủi ro thị trường để có lựa chọn đầu tư hiệu quả.
(*) Báo cáo này là tài sản và được giữ bản quyền bởi FIDT. Không được phép sao chép, phát hành cũng như tái phân phối báo cáo vì bất kỳ mục đích gì nếu không có văn bản chấp thuận của FIDT. Vui lòng ghi rõ nguồn khi trích dẫn nếu sử dụng các thông tin trong báo cáo này. Chúng tôi xin chân thành cảm ơn quý khách hàng!