FIDT NHẬN ĐỊNH
THÔNG BÁO KẾT QUẢ TỪ HỆ THỐNG QUẢN TRỊ RỦI RO (RMS) - 12/11/2023
Kết quả đánh giá từ Hệ thống quản trị rủi ro FIDT (RMS) ở mức 38.75% (+1.12%) - Tăng so với tuần trước.
Qua đó, FIDT dự báo xu hướng thị trường sẽ GIẢM trong tuần này.
Tham khảo biến động RMS thường xuyên hơn tại: https://portal.fidt.vn/nhan-dinh-thi-truong/
CÁC YẾU TỐ TÁC ĐỘNG ĐẾN RMS TRONG TUẦN
Thị trường
Thị trường đã có pha hồi phục khá tích cực sau đợt điều chỉnh mạnh khi phần lớn những thông tin tiêu cực đã phản ánh, đồng thời những yếu tố tích cực từ vĩ mô và chính phủ đang hỗ trợ thị trường. Tuy nhiên áp lực bán ròng chính từ khối ngoại vẫn hiện hữu.
Vĩ mô
Tỷ giá USD/VND bị ảnh hưởng mạnh bởi USD, hiện tại chỉ số DXY duy trì xung quanh vùng 105.5 - 106 được xem là vùng lý tưởng để tỷ giá USD/VND neo cân bằng. Bên cạnh đó, xu hướng các đồng tiền KRW, THB, CNY đều duy trì tốt, hồi phục ngắn hạn mạnh.
Giá dầu Brent trong tuần qua giảm mạnh về mốc xung quanh $80 - $82 cũng là yếu tố tích cực với Việt Nam, tránh gây những xu hướng tăng ngắn hạn không cần thiết đến mặt bằng lạm phát trong nước.
Áp lực lãi suất toàn cầu tăng cao được giải tỏa, giúp rủi ro hút ròng thanh khoản trên OMO được giải tỏa, điều kiện thanh khoản tích cực, với các yếu tố: (1) SBV lần đầu tiên ngưng hút ròng 2 phiên liên tục, 1 dấu hiệu cho thấy SBV chủ động nới lỏng lượng thanh khoản hệ thống liên ngân hàng ; (2) Lượng bơm ròng thông qua OMO trong tuần qua đạt 50,000 tỷ, trong đó hơn 40,000 tỷ trong 2 ngày cuối tuần ; (3) giả sử xu hướng ngừng hút ròng TPNN tiếp diễn, tuần sau cũng sẽ ghi nhận khoảng 50,000 tỷ sẽ được bơm ra thông qua OMO.
Động lượng
Thanh khoản thị trường khá tích cực trong những phiên gần đây cho thấy tâm lý nhà đầu tư đã ổn định hơn.
Kỹ thuật
VN-Index đã chạm mốc kháng cự trên của kênh giảm là 1100 và bị điều chỉnh ở phiên cuối tuần. Dự kiến vẫn sẽ còn rủi ro điều chỉnh để tìm vùng cân bằng ở mốc hỗ trợ gần nhất - quanh vùng 1070 - 1080
Về xu hướng thị trường (Vnndex) trong tuần tới, FIDT quan điểm khả năng thị trường sẽ có nhịp điều chỉnh sau tuần phục hồi mạnh trước đó với biên độ lớn. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng thị trường sẽ không quá tiêu cực và sẽ sớm cân bằng trong tuần tới.
Theo quan điểm của FIDT, những điều kiện tích cực hiện tại đang phù hợp với các chiến lược gia tăng tỷ trọng lên mức hợp lý (trên 50% NAV, mục tiêu 60 - 70%), tận dụng tìm kiếm cơ hội mua vào ở các mức giá điều chỉnh hợp lý, chú ý trong các nhịp chốt lời của thị trường dự kiến ở những phiên đầu tuần. Bên cạnh đó, việc điều kiện tiền tệ dễ thở cũng sẽ là điều kiện lý tưởng cho các xu hướng ngành lẫn cổ phiếu có câu chuyện tốt trong mục tiêu 3 - 6 tháng tới (trọng điểm về xu hướng kinh doanh quý 4/2023 và triển vọng 1H2024)
ĐIỂM NHANH QUA MỘT SỐ NHẬN ĐỊNH CHUNG VỀ THỊ TRƯỜNG TOÀN CẦU
Thị trường chứng khoán toàn cầu: Với áp lực về điều kiện lãi suất được giải tỏa, đa số thị trường chứng khoán đều đều diễn biến rất tích cực kể từ tháng 11. Thị trường chứng khoán Mỹ ghi nhận đà tăng 8 phiên liên tục ở chỉ số S&P 500 và Nasdaq, 1 trong những chuỗi tăng tốt nhất. Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán các nhóm nước Asia Emerging Markets như KOSPI, Vnindex, SETI đều tăng mạnh trong tuần. Tâm lý risk taking ở các thị trường trên tăng lên đáng kể.
Điều kiện lãi suất toàn cầu: Điều kiện lãi suất toàn cầu được cải thiện đáng kể, kể từ đầu tháng 11. Đà bán tháo TPCP dài hạn Mỹ được rũ bỏ áp lực lớn khi lợi suất kỳ hạn dài hạn giảm mạnh so với vùng đỉnh (ghi nhận cuối tháng 10). Trong tuần qua, lợi suất dài hạn có 2 phiên cuối tuần bật tăng đáng kể, phản ánh phần nào đó nhu cầu về TPCP dài hạn vẫn yếu trong phiên đầu thầu gần nhất. Tuy nhiên, còn khá sớm để nói áp lực lãi suất quay trở lại, FIDT ưu tiên quan sát yếu tố này trong ngắn hạn.
Điều kiện tỷ giá toàn cầu: Tuần qua ghi nhận các diễn biến không rõ ràng trên thị trường tỷ giá toàn cầu. Đầu tiên, DXY trong xu hướng hồi phục trong tuần sau, tuy nhiên mức hồi phục nhẹ (hồi phục về Fibo 0.382) so với mức đỉnh gần đây, xu hướng giảm ngắn hạn vẫn chủ đạo. Bên cạnh đó, dữ liệu cho thấy các đồng tiền khu vực Asia Emerging Market (bao gồm KRW, VND, THB, IDR) đều tăng mạnh so với trung bình, rủi ro tỷ giá giảm đáng kể ở các đồng tiền trên, đặc biệt VND. Tuy nhiên, áp lực tỷ giá vẫn tác động mạnh đến 1 số đồng tiền lớn trên toàn cầu: GBP, CAD, TWD, và đặc biệt là JPY, là một vấn đề chưa có lời giải. FIDT ưu tiên quan sát yếu tố này trong ngắn hạn.
NHẬN ĐỊNH KINH TẾ - VĨ MÔ THẾ GIỚI VÀ TRONG NƯỚC
Trong tuần qua, thị trường tài chính toàn cầu diễn biến khá dễ thở với khoảng trống thông tin, ghi nhận xu hướng hồi phục tiếp diễn ở đa số thị trường chứng khoán và thị trường TPCP toàn cầu. Một điểm nhấn mạnh trong xu hướng tuần qua là xu hướng risk-taking quay trở lại với dòng vốn đầu tư trên toàn cầu trong bối cảnh rủi ro tổng thể về vĩ mô hạ nhiệt, khi các lớp tài sản rủi ro cao có diễn biến tốt hơn so với trung bình: Chỉ số Nasdaq, chỉ số chứng khoán Emerging Market, và đặc biệt là đà tăng rất mạnh từ Bitcoin.
Đánh giá một số điều kiện rất tích cực đối với Việt Nam:
Điều kiện thanh khoản cải thiện nhanh chóng: Sau khi áp lực lãi suất và tỷ giá toàn cầu hạ nhiệt nhanh chóng kể từ đầu tháng 11, NHNN cũng hạ nhiệt việc hút ròng thanh khoản trên OMO nhanh chóng. Trong tuần qua, NHNN trả lại tổng cộng 50,000 tỷ đồng cho hệ thống liên ngân hàng, giảm mức hút ròng về còn 155,000 nghìn tỷ cuối tuần qua (vùng khá sát ước tính đầu tháng 11 của FIDT về mức hút ròng: 150,000 nghìn tỷ). FIDT đánh giá rất tích cực hành động SBV linh động trả thanh khoản về hệ thống ngân hàng nhanh chóng. Nhờ đó, lãi suất qua đêm thị trường liên ngân hàng lao dốc dưới 1.0%, lãi suất 1 tháng về vùng xung quanh 1.5%, mức tích cực đối với thanh khoản ngân hàng – thanh khoản thị trường chứng khoán.
Các động thái cụ thể từ SBV trong tuần: (1) SBV lần đầu tiên ngưng hút ròng 2 phiên liên tục, 1 dấu hiệu cho thấy SBV chủ động nới lỏng lượng thanh khoản hệ thống liên ngân hàng ; (2) Lượng bơm ròng thông qua OMO trong tuần qua đạt 50,000 tỷ, trong đó hơn 40,000 tỷ trong 2 ngày cuối tuần ; (3) giả sử xu hướng ngừng hút ròng TPNN tiếp diễn, tuần sau cũng sẽ ghi nhận khoảng 50,000 tỷ sẽ được bơm ra thông qua OMO.
Tỷ giá giảm nhiệt mạnh: Tuần qua cũng ghi nhận một diễn biến tích cực khác từ điều kiện tỷ giá. Tỷ giá rớt rất nhanh từ mức tiệm cận 24,600 về chỉ còn xung quanh 24,300 trong 1 tuần, nhờ điều kiện tiền tệ toàn cầu cho phép. Theo đó, tỷ giá USD/VND hiện tại chỉ còn 2.9% YTD, mức khá sát với vùng tỷ giá cân bằng trong năm 2023, theo quan điểm nhất quán của SBV.Việc tỷ giá giảm nhanh cho thấy áp lực từ khu vực này giảm mạnh, giúp NHNN hạ mức đề phòng tỷ giá – giảm việc hút ròng thanh khoản trên OMO nhanh chóng. FIDT đánh giá rất tích cực xu hướng giảm áp lực tỷ giá.
ĐỊNH GIÁ THỊ TRƯỜNG
Chỉ số VN – Index ghi nhận mức giảm 16% kể từ giữa tháng 9 đến cuối tháng 10, trả lại gần hết điểm tăng kể từ đầu năm và đã ghi nhận mức phục hồi khoảng 8% kể từ đáy 1030 gần nhất. Tính đến hiện tại, P/E thị trường đang ở mức 13.56, với xu hướng hiện tại đang hướng về mức định giá trung bình. Tuy nhiên, FIDT nhận định P/E hiện tại ở mức tương đối, không thực sự thấp so với lịch sử.
Cần lưu ý rằng chỉ số P/E thường bị ảnh hưởng bởi đáy chu kỳ kinh doanh và có thể không phản ánh đầy đủ. Để có cái nhìn chính xác hơn về tình hình thị trường, việc tham khảo chỉ số P/B sẽ có góc nhìn chính xác hơn.
Dựa trên P/B, chúng tôi cho rằng nhà đầu tư có thể bắt đầu giải ngân, tích lũy cho các vị thế trung hạn (cuối năm và đầu năm sau) vì P/B thị trường đã về mức 1.63 (thấp hơn -1 độ lệch chuẩn và rất gần với mức 2 giai đoạn đáy của thị trường (Hoảng loạn Covid & TPDN). Tập trung vào các nhóm ngành hưởng lợi bởi chu kỳ đầu tư và có được sự ủng hộ từ chính sách của Chính phủ trong thời gian tới như Đầu tư công, Dầu khí và Bất động sản.
HIỆU SUẤT CÁC NHÓM NGÀNH TỪ ĐẦU NĂM 2023
Tính từ đầu năm, ngành Dịch vụ tài chính (chứng khoán) tiếp tục duy trì mức hiệu suất cao nhất thị trường mức tăng 58.9%, đồng thời cũng là nhóm ngành phục hồi tốt nhất sau đợt điều chỉnh mạnh vào cuối tháng 10. Sự phục hồi mạnh mẽ của nhóm Dịch vụ tài chính chủ yếu bắt nguồn từ triển vọng tích cực của thị trường chứng khoán và sự tăng trưởng rõ ràng của ngành này trong giai đoạn cuối năm, đặc biệt là với câu chuyện về việc triển khai hệ thống KRX.
Tài nguyên cơ bản và Xây dựng & Vật liệu giữ vững là nhóm ngành có hiệu suất cao thứ 2 và 3 thị trường, với hiệu suất lần lượt là 41.6% và 39.2%. Đầu tư công tăng trưởng có quý 3 tăng trưởng mạnh mẽ thúc đẩy đà tăng của nhóm này. Triển vọng sẽ còn tích cực trong quý 4 khi các công trình tăng tốc hoàn thành mục tiêu cuối năm, đà tăng trưởng cổ phiếu của nhóm này dự kiến sẽ còn tiếp diễn.
Về nhóm ngành có hiệu suất thấp hơn VN-Index, sau khi bị chiết khấu sâu từ đỉnh, Bất động sản có đà phục hồi khá tốt, đạt 10% trong tháng 11 và hiện tại đang có hiệu suất đạt 0.6% tính từ đầu năm. Với vị thế là một trong những nhóm ngành có vốn hóa lớn, sự hồi phục của Bất động sản đã hỗ trợ đà tăng của VN – Index trong thời gian qua.
GIAO DỊCH & DÒNG TIỀN KHỐI NGOẠI
Trong tuần, thị trường chứng kiến nhịp bật tăng mạnh mẽ nhưng sau đó lại giảm điểm bởi áp lực chốt lời. Trong bối cảnh biến động đó, khối ngoại tiếp tục bán ròng khiến lũy kế từ đầu năm bán ròng là -10,281 tỷ tính đến ngày 10/11.
Từ đầu tháng đến nay, Bất động sản và Bán lẻ là 2 nhóm ngànhh bị bán mạnh nhất. Ở chiều ngược lai, Tài nguyên cơ bản và Dịch vụ tài chính là 2 nhóm ngành được khối ngoại mua ròng nhiều nhất.
Diễn biến dòng vốn trên các thị trường Châu Á không ghi nhận xu hướng quá rõ ràng. Tại Việt Nam, dòng vốn đã bị rút mạnh -31.6 triệu đô trong tuần qua. Dòng vốn rút ra từ các thị trường trên thế giới tiếp tục quay về Mỹ.
Về dòng vốn các quỹ ETF, thị trường Việt Nam tuần qua ghi nhận mua ròng 6.6 triệu đô, dẫn đầu là Fubon với lượng giải ngân 6.2 triệu đô. Tuy nhiên đà tăng tuần này đã chững lại so với xu hướng mua tháng qua.
Nhìn chung, với các dấu hiệu vĩ mô bắt đầu tích cực như FIDT đã nhận định, xu hướng trong thời gian tới của khối ngoại vẫn tiếp tục được kỳ vọng sẽ giảm áp lực lên các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam.
DANH MỤC ĐẦU TƯ FIDT
Trong tháng 11 (tính từ 01/11), danh mục theo Báo cáo của FIDT có hiệu suất 4.01% so với mức 7.15% của VN-Index cùng kỳ
Hiệu suất từ khi FIDT ra danh mục theo Báo cáo chiến lược đạt 47.11% (vượt trội so với mức tăng của VN-Index cùng thời kỳ ở mức 11.82%)
CẬP NHẬT KẾT QUẢ KINH DOANH CÁC DOANH NGHIỆP TRONG DANH MỤC TÍCH SẢN QUÝ 3.2023
Tháng 10 là thời điểm các doanh nghiệp trên sàn công bố kết quả kinh doanh Q3.2023, FIDT tiếp tục cập nhật đến quý Nhà đầu tư phân tích và đánh giá triển vọng đầy đủ các cổ phiếu có trong danh mục Tích sản FIDT.
Với triển vọng vẫn sáng trong trung và dài hạn, chúng tôi duy trì danh mục tích sản hiện tại với các mã cổ phiếu đa dạng và tiềm năng, chi tiết báo cáo Tích sản, nhà đầu tư xem tại đây.
LƯU Ý NHÀ ĐẦU TƯ
Quý khách nên đọc kỹ các rủi ro mà chúng tôi dự phòng và đề cập trong báo cáo, cũng như nhận diện được rủi ro thị trường để có lựa chọn đầu tư hiệu quả.
(*) Báo cáo này là tài sản và được giữ bản quyền bởi FIDT. Không được phép sao chép, phát hành cũng như tái phân phối báo cáo vì bất kỳ mục đích gì nếu không có văn bản chấp thuận của FIDT. Vui lòng ghi rõ nguồn khi trích dẫn nếu sử dụng các thông tin trong báo cáo này. Chúng tôi xin chân thành cảm ơn quý khách hàng!
FIDT - Focus On Performance