FIDT NHẬN ĐỊNH
THÔNG BÁO KẾT QUẢ TỪ HỆ THỐNG QUẢN TRỊ RỦI RO (RMS) - 07/05/2023
- Kết quả đánh giá từ Hệ thống quản trị rủi ro FIDT (RMS) ở mức TRUNG TÍNH, mức độ rủi ro 40.38% (gần như không có thay đổi so với tuần trước).
- Qua đó, FIDT khuyến nghị nhà đầu tư phân bổ cổ phiếu với tỷ trọng 50-60% trong danh mục đầu tư.
Biến động chỉ báo RMS tuần này cho thấy rủi ro tăng nhẹ, tỷ trọng danh mục vẫn không đổi:
- Rủi ro từ vĩ mô quốc tế khi FED tiếp tục tăng lãi suất, ảnh hưởng một phần lên tâm lý nhà đầu tư trong nước.
- Tâm lý "Sell in may" ở 2 phiên giao dịch đầu tiên sau kỳ nghỉ lễ cho thấy dòng tiền đang có sự e ngại nhất định với thị trường, về tác động FIDT sẽ đề cập ở phần sau.
- Bên cạnh rủi ro về dòng tiền và tâm lý, chúng tôi cũng nhận diện thêm rủi ro từ TA khi thị trường đang tiến sát về vùng hỗ trợ, với thanh khoản không có sự đồng thuận.
Lưu ý: Các rủi ro liên quan đến nội tại Việt Nam đã được phản ánh vào RMS từ trước.
Về triển vọng các nhóm ngành: Khách hàng IDP/CCI vui lòng xem tại đây.
Cập nhật danh mục đầu tư: Xem chi tiết tại đây.
VĨ MÔ QUỐC TẾ
TÓM TẮT CUỘC HỌP FOMC (FED) THÁNG 05/2023
Theo đó, Fed quyết định tăng lãi suất 0.25%, đây là lần tăng thứ 10 trong hơn năm qua, đưa mức lãi suất mục tiêu của Fed (biên trên) lên 5.25%. Đây là mức tăng đã được FIDT cũng như thị trường dự đoán trong thời gian qua nên về mặt con số không có quá nhiều bất ngờ.
Các điểm nhấn chính:
- Có dấu hiệu sẽ ngừng tăng lãi suất. Tuy nhiên quyết định phụ thuộc rất lớn về kết quả dữ liệu trong thời gian tới.
- Hệ thống ngân hàng vẫn cực kỳ ổn định, bất chấp câu chuyện First Republic Bank vừa qua (Powel gọi trường hợp JPMorgan mua lại First Republic Bank là “ngoại lệ”). Tuy nhiên, Fed công nhận môi trường lãi suất cao sẽ tiếp tục gây áp lực lớn lên tiêu dùng gia đình lẫn hoạt động doanh nghiệp, từ đó ảnh hưởng triển vọng kinh tế.
- Lạm phát sẽ cần thêm thời gian để có thể suy giảm. Còn quá sớm để có thể nghĩ tới chuyện cắt lãi suất.
FIDT nhận định:
- Fed đã “bồ câu” hơn so với tháng 3 và các cuộc họp gần đây.
- Về mặt lãi suất: chúng tôi nhận định khả năng rất cao lãi suất hiện tại đã đạt đỉnh nhưng sẽ giữ ở mức này trong thời gian tới, dẫn tới các hệ quả:
- Suy thoái kinh tế nhẹ sẽ gần như khó tránh khỏi
- Hệ thống ngân hàng Mỹ sẽ có sự phân hóa rõ rệt giữa các ngân hàng lớn và nhỏ.
- Ảnh hưởng lên thị trường & nền kinh tế:
- Mỹ: chỉ số hiện chưa chiết khấu đủ rủi ro kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái, nên trong tương lai xác suất cao sẽ có suy giảm.
- Việt Nam: thị trường Việt Nam bị ảnh hưởng khi Mỹ suy thoái là khó tránh khỏi vì độ mở cao. Tuy nhiên, chúng tôi kỳ vọng chính sách hỗ trợ hiện nay sẽ phần nào giảm thiểu tác động từ Mỹ.
CẬP NHẬT TÌNH HÌNH KHỦNG HOẢNG NGÂN HÀNG Ở MỸ SAU CUỘC HỌP FED NGÀY 03/05/2023
Khủng hoảng ngân hàng ở Mỹ tiếp diễn với hai cái tên mới: PacWest và Western Alliance.
Chỉ một ngày sau khi Powell phát biểu hệ thống ngân hàng Mỹ khỏe mạnh trong cuộc họp FOMC ngày 3/5 vừa qua thì mới đây, hai ngân hàng của Mỹ là: PacWest và Western Alliance bị nghi ngờ sẽ nối gót First Republic. Điều này khiến giá cổ phiếu của các ngân hàng nhỏ đa số giảm rất sâu, tiêu biểu PacWest giảm 40% ngay sau khi ban lãnh đạo công bố đang cân nhắc tìm người mua lại. Western Alliance cũng giảm 26% khi vướng vào tin đồn như trên, mặc dù chưa hề có xác nhận chính thức. Tuy nhiên, các cổ phiếu ngân hàng lớn như JP Morgan, Wells Fargo, vẫn giữ sắc xanh, hầu như không bị ảnh hưởng.
Tình hình hiện tại của hệ thống ngân hàng Mỹ diễn ra chính xác với những gì FIDT nhận định sau cuộc họp của Fed ngày 3/5:
Hệ thống ngân hàng Mỹ sẽ có sự phân hóa rõ rệt giữa các ngân hàng lớn và nhỏ. Về tổng thể thì vẫn ổn định với thanh khoản dồi dào. Tuy nhiên, các ngân hàng nhỏ/ khu vực sẽ tiếp tục gặp khó khi lãi suất cao duy trì. Mặc dù Fed cho rằng FRB (First Republic Bank) được JP Morgan mua lại là một ngoại do Powell không chủ trương thu nhỏ hệ thống ngân hàng, nhưng chúng tôi nhận định trong tình huống tiêu cực nhất, sẽ phải có thêm 1 đến 2 “ngoại lệ” nữa.
Thị trường Mỹ lo sợ là nếu hai ngân hàng này vỡ trận, thì tổng giá trị tài sản của các ngân hàng vỡ trận trong năm nay sẽ tiến gần hơn tới mốc ngàn tỷ, trong khi ở thời điểm hiện tại, tổng tài sản của 3 ngân hàng vỡ nợ (Silicon Valley, First Republic và Signature Bank) cũng đã vượt qua mức 524 tỷ đô của khủng hoảng năm 2008.
Nhận định chung:
Sau khi ngân hàng First Republic vỡ trận, các ngân hàng nhỏ và khu vực của Mỹ đã chịu rất nhiều áp lực ở nhiều mặt (khách hàng rút tiền gửi khỏi hệ thống, giá cổ phiếu bị bán khống, giá trị tài sản nắm giữ giảm), vì thế không quá ngạc nhiên nếu có thêm những PacWest hay Western Alliance.
Với việc lãnh đạo Pacwest đã công bố việc đang tìm đối tác để mua lại tài sản, FIDT công nhận đây sẽ là một “ngoại lệ” nữa. Chúng tôi vẫn giữ quan điểm về sự phân hóa trong hệ thống ngân hàng Mỹ (lớn khỏe mạnh –nhỏ gặp khó).
Tuy nhiên, số lượng “ngoại lệ” mà chúng tôi dự phóng vẫn sẽ là ở mức rất thấp, trái với sự hoảng loạn ở Mỹ hiện tại. Chúng tôi nhận định trong khi thị trường hoảng loạn thì hành động “bán trước lý giải sau” sẽ lên ngôi (thậm chí ở đây còn là bán khống trước). Các ngân hàng nhỏ/khu vực của Mỹ vẫn đang gặp khó, nhưng không phải toàn bộ sẽ nối gót First Republic hay Silicon Valley.
FIDT không đánh giá cao các lo ngại việc giá trị tài sản các ngân hàng vỡ trận năm 2023 cao hơn mức 2008 với lý do: hơn 80% tiền trong thị trường hiện tại được in vào 2 năm trở lại đây cũng như tính thêm các yếu tố như lạm phát, nên giá trị tài sản hiện nay đã được thổi phồng đáng kể, không thể dùng so sánh với giá trị tài sản 2008 ở mặt con số đơn thuần.
Update 5/5: Cổ phiếu các ngân hàng nhỏ và khu vực đều hồi phục và tăng đột biến (đặc biệt Western Alliance, Zions Bancorp and Comerica) khi JP Morgan đưa ra khuyến nghị mua cổ phiếu các ngân hàng trên với lý do “giá cổ phiếu bị đưa xuống mức định giá phi lý vì bị bán khống”.
SỐ LIỆU VIỆC LÀM VÀ THẤT NGHIỆP Ở MỸ
Số lượng việc làm mới tăng thêm trong tháng 4/2023 là 256,000 việc, vượt xa mức dự đoán là 180,000 việc và cao hơn 50% so với tháng trước (253,000 việc – đã điều chỉnh). Thay đổi việc làm mới so với tháng trước đều tăng ở cả 3 mảng sản xuất, dịch vụ và Khu vực công.
Thêm vào đó, tỷ lệ thất nghiệp giảm về mốc 3.4%, thấp hơn với dự đoán không đổi so với tháng trước (3.6%) cho thấy thị trường lao động Mỹ vẫn cực kỳ khỏe mạnh. Hai nhóm dẫn dắt số lượng công việc tạo mới ở Dịch vụ kinh doanh (43k) và Y Tế (31k).
Điểm đáng chú ý của báo cáo lần này là số việc làm mới của tháng 2 – 3 được điều chỉnh xuống đáng kể:
FIDT nhận định:
Nếu nhìn bề nổi thì kết quả của báo cáo việc làm T4 cho thấy nền kinh tế Mỹ vẫn rất mạnh khi thị trường tuyển dụng sôi động, tỷ lệ thất nghiệp về lại mức thấp 3.4% bất chấp tình hình kinh tế không thuận lợi (lạm phát và lãi suất ở mức cao). Tuy nhiên, khi đào sâu hơn vào thì câu chuyện trở nên phức tạp hơn rất nhiều với lượng việc làm mới tháng 2-3 bị điều chỉnh sâu, cho thấy dấu hiệu nguội lại rõ rệt của nền kinh tế Mỹ trong Q1.
Vì vậy, kết quả của báo cáo việc làm lần này đan xen giữa cả yếu tố tích cực lẫn tiêu cực. FIDT nhận định kết quả báo cáo này trung tính, không ảnh hưởng gì nhiều tới định hướng của Fed trong thời điểm hiện tại (chờ thêm dữ liệu rồi mới quyết định). Chúng tôi cũng dự đoán khả năng số việc làm mới của tháng 4 sẽ bị điều chỉnh xuống sâu như tháng 2, 3 vừa qua trong báo cáo T5 là rất cao.
SELL IN MAY - CHẠY HAY Ở, LÃI HAY BAY?
CÁC NGUYÊN NHÂN ĐẰNG SAU CÂU NÓI: SELL IN MAY
Thị trường thường giao dịch sôi động từ tháng 11 đến 4 năm sau, vì tiêu dùng tăng mạnh các đợt lễ cuối năm 11 – 12 - 1 (Giáng Sinh – Tạ Ơn – Năm mới), cũng như các công ty sẽ tất toán lợi nhuận để chuẩn bị mùa báo cáo tài chính. Tháng 2-3 vẫn sẽ có tăng trưởng nhẹ, và đỉnh sẽ là tháng 4 khi KQKD Q1 năm đó được công bố.
Giai đoạn 5 đến tháng 10 là giai đoạn nghỉ hè cũng như có nhiều ngày lễ ở Phương Tây, nhà đầu tư ít để ý tới thị trường cũng như tiêu dùng không mạnh. Ngoài ra vào các năm bầu cử ở Mỹ, giai đoạn này do vẫn chưa rõ kết quả tân tổng thống là ai nên thị trường cũng sẽ không có đột biến.
VẬY CÂU NÓI NÀY CÒN ĐÚNG KHÔNG TRÊN THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN NGÀY NAY?
Lật lại hiệu suất đầu tư tháng 5 của cả hai thị trường Mỹ và Việt Nam với hai đại diện là S&P500 và VNI từ 2001 tới 2022, chúng ta có thể thấy:
Sell In May không đúng với thị trường Mỹ vì trong 22 năm qua, vào tháng 5, S&P500 tăng trung bình 0.27%, trong đó:
- Chỉ số giảm 6/22 lần, giảm TB -1.23%
- Chỉ số tăng 16/22 lần, tăng TB 1.5%
Sell In May không rõ ràng với thị trường Việt Nam vì trong 22 năm qua, vào tháng 5, VNI tăng trung bình 1.05%, tuy nhiên:
- Chỉ số giảm 13/22 lần, giảm TB -3.1%
- Chỉ số tăng 9/22 lần, tăng TB 4.67%
CÓ HAY KHÔNG VIỆC SELL IN MAY CHỊU TÁC ĐỘNG TỪ CÁC YẾU TỐ VĨ MÔ?
Các yếu tố vĩ mô như lạm phát và lãi suất đều không có ảnh hưởng rõ rệt đến tâm lý Sell in May của nhà đầu tư ở cả Mỹ và VN, ít nhất là với tầm nhìn đầu tư ngắn hạn (trong tháng). Phần nhiều là vì lãi suất thường không thay đổi, còn lạm phát thì dù cao hay thấp hơn mức target thì khả năng chỉ số giảm trong tháng 5 vẫn là 50-50.
TUY SELL IN MAY Ở VIỆT NAM TRONG NGẮN HẠN KHÔNG RÕ RÀNG, NHƯNG THÁNG 05 CÓ THỰC SỰ LÀ THÁNG XẤU NHẤT ĐỂ ĐẦU TƯ?
Theo thống kê trong 22 năm qua, tháng 5 và tháng 7 là hai tháng xấu nhất để NĐT có thể tham gia vào VNI khi tỉ lệ có lãi chỉ vỏn vẹn 40.9%, thấp hơn rất nhiều so với mức trung bình 53.8%. Tuy nhiên, khi xét tới hiệu suất đầu tư trung bình theo tháng, thì tháng 7 mới thực sự là tháng xấu nhất trong 22 năm qua của VNI khi không những tỷ lệ có lãi đã thấp hơn trung bình, mà nếu giảm thì có mức giảm trung bình cao nhất 1.87%. Điều này cũng được chúng tôi đánh giá khá hợp lý vì các đợt giảm sâu nhất của VNI đều là vào giai đoạn tháng 7 (2001, 2006, 2007, 2011 và 2021).
Trong 22 năm qua, giai đoạn tháng T4 tới T11 năm sau có hiệu suất đầu tư cao hơn giai đoạn T5 – T10 của năm trước đó, chứng minh câu ngạn ngữ này đúng ở thị trường Việt Nam cho nhà đầu tư trung hạn.
FIDT kết luận:
Về thị trường Mỹ: Với các dữ liệu thu thập, việc Sell in May ở Mỹ là hoàn toàn không có cơ sở. Nếu làm theo đúng câu ngạn ngữ thì trong vòng 22 năm qua, nhà đầu tư đã bỏ lỡ rất nhiều cơ hội kiếm lời khi chỉ số S&P500 tăng nhiều hơn giảm.
Với thị trường Việt Nam: Câu chuyện Sell in May không rõ ràng nếu chúng ta chỉ xét trong tháng 5, còn sẽ đúng nếu nhà đầu tư có tầm nhìn dài hơn theo khoảng 6 tháng (T5 – T10). Các yếu tố vĩ mô như lạm phát & lãi suất không có quá nhiều ảnh hưởng tới tâm lý Sell in May dù ở thị trường Mỹ hay Việt Nam. Với dữ liệu tổng hợp được thì giai đoạn T5 tới T10 thực sự là giai đoạn VNI không thích hợp để giao dịch (tháng 7 là tháng xấu nhất). Vì vậy, việc “Sell in May” ở thị trường nước ta không phải là vì tháng 5 là tháng tệ nhất để đầu tư, mà vì đó là cơ hội để bán cổ phiếu ở đỉnh trước khi thị trường trở nên thiếu tích cực hơn vào giai đoạn giữa Q2 tới đầu Q4, giúp nhà đầu tư bảo toàn được lợi nhuận.
CẬP NHẬT ĐỊNH GIÁ THỊ TRƯỜNG
Về định giá thị trường, cả P/B và P/E vẫn đang dao động ở mức -1 đến -2 độ lệch chuẩn. Đối với định giá P/E, như đã dự phóng trong những báo cáo tháng trước đây, lợi nhuận sau thuế TTM tính đến hết Q1/2023 (Trailing 12 Months) tiêu cực đã đẩy định giá P/E thị trường lên đáng kể so với thời điểm chưa có KQKD Q1/2023.
Tháng 4 và tháng 5 là thời điểm các doanh nghiệp trên sàn công bố kết quả kinh doanh, RS FIDT cập nhật đến quý Nhà đầu tư phân tích về một số cổ phiếu quan trọng có trong Danh mục Tích sản, Đầu tư và FIDT Watchlist:
7. SIP – CTCP ĐẦU TƯ SÀI GÒN VRG
2. HPG – CTCP TẬP ĐOÀN HOÀ PHÁT
5. SCS – CTCP DỊNH VỤ HÀNG HÓA SÀI GÒN
6. DHC – CTCP ĐÔNG HẢI BẾN TRE
LƯU Ý NHÀ ĐẦU TƯ
Quý khách nên đọc kỹ các rủi ro mà chúng tôi dự phòng và đề cập trong báo cáo, cũng như nhận diện được rủi ro thị trường để có lựa chọn đầu tư hiệu quả.
(*) Báo cáo này là tài sản và được giữ bản quyền bởi FIDT. Không được phép sao chép, phát hành cũng như tái phân phối báo cáo vì bất kỳ mục đích gì nếu không có văn bản chấp thuận của FIDT. Vui lòng ghi rõ nguồn khi trích dẫn nếu sử dụng các thông tin trong báo cáo này. Chúng tôi xin chân thành cảm ơn quý khách hàng!
FIDT - Focus On Performance