FIDT NHẬN ĐỊNH
THÔNG BÁO KẾT QUẢ TỪ HỆ THỐNG QUẢN TRỊ RỦI RO (RMS) - 02/04/2023
- Kết quả đánh giá từ Hệ thống quản trị rủi ro FIDT (RMS) ở mức TRUNG TÍNH, mức độ rủi ro 40.69% (tiếp tục giảm so với tuần trước đó).
- Qua đó, FIDT khuyến nghị nhà đầu tư phân bổ cổ phiếu với tỷ trọng 50-60% trong danh mục đầu tư.. NĐT xem chi tiết đánh giá RMS tại đây.
Biến động chỉ báo RMS tuần này có sự thay đổi về tỷ trọng:
Phân tích kỹ thuật đã có sự cải thiện từ mức TIÊU CỰC sang TRUNG TÍNH
Tỷ giá ổn định kèm lãi suất giảm trên diện rộng hỗ trợ tâm lý thị trường
*Lưu ý: Rủi ro phân hoá của cổ phiếu khi được công bố thông tin tốt - xấu tại kỳ họp ĐHĐCĐ thường niên
Lưu ý: Các rủi ro liên quan đến nội tại Việt Nam đã được phản ánh vào RMS từ trước.
Về triển vọng các nhóm ngành: Khách hàng IDP/CCI vui lòng xem tại đây.
Cập nhật danh mục đầu tư: Xem chi tiết tại đây.
VĨ MÔ QUỐC TẾ
TÌNH HÌNH TIÊU DÙNG VÀ LẠM PHÁT PCE
Theo đó, lạm phát PCE tháng 2 của Mỹ tăng 0.3% so tháng trước và tăng 5.0% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát lõi tăng 0.3% so với tháng trước và 4.6% so cùng kỳ năm trước.
Số liệu này cho thấy sự tiếp tục hạ nhiệt của lạm phát PCE và thấp hơn dự phóng của các bên phân tích.
FIDT đi vào phân tích sâu hơn về lạm phát PCE lõi (cấu phần được Fed quan tâm khi đưa ra chính sách)
Theo đó, tính theo YoY, (1) lạm phát giá hàng hóa lõi tiếp tục hạ nhiệt là đang là nhân tố chính kéo chỉ số lạm phát lõi xuống, trong khi đó (2) giá dịch vụ nhà ở tiếp tục là nguyên nhân kéo chỉ số lạm phát lõi lên, (3) dịch vụ khác (ngoài nhà ở) có xu hướng đi ngang.
(1) Giá hàng hóa lõi sẽ tiếp tục chứng kiến xu hướng hạ nhiệt khi:
- Chuỗi cung ứng đã gần như hồi phục sau đại dịch
- Các chi phí logistics liên quan đến kiểm dịch và cước tàu đã hạ nhiệt đáng kể
- Giá năng lượng đang tiếp tục giảm mạnh trước nguy cơ suy thoái
Do đó, lạm phát giá hàng hóa được dự báo tiếp tục giảm và có thể về vùng âm trong nửa cuối năm nay.
(2) Giá dịch vụ nhà ở đang là nguyên nhân chính khiến PCE lõi cao khi tăng 8.2% so với cùng kỳ. Cấu phần này như FIDT đã phân tích nhiều lần sẽ phản ánh rất chậm (lagging) và sự đảo chiều của giá thuê nhà thực tế sẽ chắc chắn kéo chỉ số này xuống trong tương lai.
Với dữ liệu tăng trưởng giá thuê nhà đạt đỉnh tăng hơn 17% YoY và đảo chiều giảm và mức phản ánh vào PCE đang ở mức 8.2%, chúng tôi cho rằng chỉ số này tiếp tục là nguyên nhân chính kéo lạm phát lõi tăng thời gian tới nhưng sẽ sớm đạt đỉnh trong quý 2.
Do đó, lạm phát cấu phần này sẽ không làm Fed quá bận tâm nhất là từ quý 3 trở đi.
(3) lạm phát dịch vụ lõi khác ngoài dịch vụ nhà ở
Đây là cấu phần quan trọng nhất với xu hướng lạm phát và chính sách của Fed bởi vì những lý do sau:
Thứ 1: Đây là cấu phần chiếm trọng số lớn nhất trong lạm phát lõi PCE. Với trọng số 56% của mình, sự thay đổi của cấu phần này sẽ tác động gần như quyết định đến xu hướng lạm phát.
Thứ 2: Với việc lạm phát giá hàng hóa lõi đang giảm dần và giá thuê nhà đảo chiều nên lạm phát dịch vụ nhà ở này đảo chiều chỉ là chuyện sớm muộn. Do đó, trong lạm phát lõi, thì cấu phần dịch vụ lõi khác này sẽ đóng vai trò quyết định khi các cấu phần khác đã thấy rõ xu hướng.
Thứ 3: Cấu phần này có mối liên hệ chặt chẽ với thu nhập và thị trường việc làm và việc "diệt" lạm phát dai dẳng phải "diệt" vòng xoáy lạm phát và tăng lương.
Thứ 4: Cấu phần này là mối quan tâm hàng đầu của Fed và ông Powell liên tục nhắc đến cấu phần này trong nhiều nhận định và phân tích. Do đó, hiện tại cấu phần này còn được gọi với cái tên là lạm phát siêu lõi (supercore inflation).
Do đó, để Fed "cảm nhận" được sự chiến thắng lạm phát cần có sự hạ nhiệt của cấu phần này.
Với dữ liệu tháng 2, lạm phát cấu phần này tăng 0.27% so với tháng 1, là mức tăng thấp nhất trong 6 tháng gần đây, tuy vẫn cao hơn mức trung bình (đường màu cam), vẫn là một tín hiệu tốt đối với thị trường.
Chúng tôi cho rằng để Fed thật sự an tâm về lạm phát và có nhận định chắc chắn về sự đảo chiều quan điểm từ "diều hâu" sang "bồ câu" cần nhiều tháng liên tiếp chứng kiến mức tăng thấp của cấu phần này như tháng 2 vừa qua nhưng số liệu tháng 2 vừa qua là một số liệu tốt về lạm phát.
VĨ MÔ VIỆT NAM
NHẬN ĐỊNH VỀ VIỆC NHNN ĐIỀU CHỈNH LÃI SUẤT ÁP DỤNG TỪ 03/04/2023
Căn cứ vào Quyết định 574/QĐ-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam:
- Lãi suất tái cấp vốn 5.5%/năm (giảm 0.5%)
- Lãi suất tái chiết khấu 3.5%/năm (không đổi)
- Lãi suất liên ngân hàng 6%/năm (không đổi)
Mức lãi suất điều hành áp dụng vào ngày mai là mức lãi suất điều hành thấp hơn trước dịch.
Lưu ý: NHNN giảm lãi suất điều hành là lãi suất áp dụng cho thị trường 2 (thị trường liên ngân hàng giữa NHNN và các NHTM)
Căn cứ vào Quyết định 575/QĐ-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam:
- Trần lãi suất huy động cho tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn 1 tháng là 0.5%/năm (giảm 0.5%).
- Trần lãi suất huy động cho tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến 6 tháng là 5.5%/năm (giảm 0.5%).
FIDT nhận định việc hạ lãi suất điều hành là đi đúng định hướng hỗ trợ nền kinh tế và cho thấy chính sách tiền tệ sẽ không tiếp tục thắt chặt và sẽ trở lại hỗ trợ nền kinh tế. Tuy nhiên, hiện FIDT cho rằng dư địa để để giảm lãi suất trong năm nay là không còn nhiều do có thể gây áp lực lên tỷ giá và dòng tiền inflow không ổn định. FIDT đánh giá rằng dư địa hỗ trợ lớn sẽ nằm trong tay chính sách tài khóa.
Về tác động của giảm lãi suất điều hành lên lãi suất thị trường 1 (giữa bank và khách hàng) thì FIDT cho rằng lãi suất huy động thị trường 1 đã giảm trước đó và dự địa giảm là còn nhưng không quá nhiều nhưng đã qua những đoạn xấu nhất.
Tương tự đối với lãi suất không kỳ hạn và dưới 1 tháng, hiện nay các ngân hàng quốc doanh đã hạ về 0.2% - 0.4% tuy nhiên nhóm ngoài quốc doanh vẫn duy trì ở mức 0.8% - 1.0%.
Từ biểu đồ trên ta thấy, lãi suất huy động của các NHTM đã giảm từ giữa tháng 01/2023 đối với các kỳ hạn 6 & 12 tháng. Đối với kỳ hạn ngắn, các ngân hàng ngoài nhóm quốc doanh vẫn đang ở mức 5.8% - 6%. Do đó khi áp trần lãi suất 5.5% đối với kỳ hạn từ 1- 6 tháng thì lãi suất huy động trung bình đối với kỳ hạn ngắn cũng sẽ giảm.
Do đó, khi áp dụng trần lãi suất huy động mới này, lãi suất huy động các kỳ hạn ngắn sẽ bắt đầu giảm xuống.
FIDT đánh giá:
- Động thái hạ trần lãi suất huy động các kỳ hạn dưới 6 tháng tái khẳng định định hướng của Chính phủ trong việc giảm lãi vay đầu ra, hỗ trợ tăng trưởng nền kinh tế.
- Thanh khoản tại các tổ chức tín dụng đang dư thừa sẵn sàng đáp ứng nhu cầu vốn và thanh toán của nền kinh tế sẽ không quá áp lực lên nhu cầu huy động của các tổ chức tín dụng, giúp giảm chi phí đầu vào từ đó giảm lãi vay đầu ra, hỗ trợ nền kinh tế.
FIDT kỳ vọng lãi suất tiền gửi sẽ tiếp tục giảm nhẹ đến hết năm 2023 do:
- Định hướng của NHNN trong việc tiếp tục hạ lãi suất hỗ trợ nền kinh tế.
- Nhu cầu tín dụng suy yếu do các doanh nghiệp hạn chế mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh do các lo ngại về suy thoái kinh tế. Ngoài ra thị trường BĐS đang ảm đạm sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng tín dụng. Tính đến hết Q1.2023, tín dụng trong toàn nền kinh tế chỉ tăng 1.67% YTD, thấp hơn nhiều so với mức tăng 4.1% của cùng kỳ năm ngoái.
- Chính phủ thúc đẩy đầu tư công qua đó giải ngân thêm tiền vào nền kinh tế.
Lạm phát tại Việt Nam
Cùng với xu hướng của thế giới, lạm phát của Việt Nam trong 3 tháng đầu năm nay đang theo xu hướng giảm dần: Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2023 tăng 4,89% so với cùng kỳ năm trước, tháng 2 tăng 4,31% và tháng 3 chỉ tăng 3,35% YoY, tiếp tục xu hướng giảm 0.23% so với tháng trước.
Bình quân quý I/2023, CPI của Việt Nam tăng 4,18%, tuy cao so với cùng kỳ năm trước nhưng cũng không thuộc nhóm các nước có mức lạm phát cao.
Áp lực lạm phát hạ nhiệt với 6 nhóm mặt hàng giảm giá so với 5 nhóm mặt hàng tăng giá so với tháng trước. Trong đó, giáo dục, ăn uống, xăng dầu giảm giúp CPI giảm 0.23% so với tháng 2/2023.
Lạm phát lõi (Core CPI) tiếp tục tăng 0.22% (MoM) có nguyên nhân rất lớn đến từ giá Nhà ở xà VLXD tiếp tục phản ánh.
Mức giá tiêu dùng CPI tăng 3.35% so với cùng kỳ năm trước được đóng góp lớn bởi 3 cấu phần chính là: nhà ở và VLXD, hàng ăn uống và hàng hóa, dịch vụ lõi. Trong đó, giá hàng ăn uống đã có dấu hiệu qua đỉnh và đang hạ nhiệt, giá nhà ở và VLXD và hàng hóa, dịch vụ lõi chưa có dấu hiệu hạ nhiệt rõ ràng. Chính vì vậy chúng ta đang thấy lạm phát lõi Core CPI đang cao hơn lạm phát CPI (nhờ 1 phần sự đảo chiều của xăng dầu).
Cấu phần đáng lưu ý là Nhà ở và VLXD đang là nguyên nhân chính khiến lạm phát lõi vẫn cao, cấu phần này chiếm tỷ trọng 18.82% (tỷ trọng đứng thứ 2 sau hàng ăn và DV ăn uống).
Hiện tháng 3 chứng khiến mức giảm so với mức đỉnh thiết lập tháng 02/2023 tuy nhiên cần quan sát thêm dữ liệu tháng sau để xác nhận trend lạm phát cấu phần này đã qua đỉnh.
Theo dõi biến động CPI so với cùng kỳ năm trước trong vòng 10 năm trở lại đây cho thấy, từ năm 2014, cứ 3 năm lặp lại chu kỳ CPI tăng cao trong những tháng đầu năm, sau đó theo xu hướng giảm dần cho đến hết năm. Do đó, nếu không có yếu tố bất thường xảy ra, những gì đã xảy ra trước đây thì có khả năng năm 2023 cũng sẽ tiếp tục xu hướng giảm dần trong những tháng tiếp theo.
FIDT nhận định
- Lạm phát tháng 3 hạ nhiệt ở mức 3.35% (thấp hơn mức mục tiêu QH giao cả năm giao bình quân 4.5%)
- Kinh tế tăng trưởng chậm 3.32% trong quý 1/23 so với cùng kỳ (thấp hơn mức mục tiêu QH giao cả năm 6.5%)
Đây là tín hiệu tốt khi Chính phủ và NHNN sẽ "mạnh tay" hơn trong các biện pháp hỗ trợ nền kinh tế trước nguy cơ tăng trưởng chậm và ít lo ngại hơn về lạm phát.
Về tình hình đầu tư công
Theo Bộ Tài chính, tỷ lệ ước giải ngân 03 tháng kế hoạch năm 2023 đạt 9.69% kế hoạch. Nếu so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thì tỷ lệ giải ngân đạt 10.35%, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022 (11.88%).
Sau những tháng cuối năm 2022 giải ngân mạnh mẽ thì tốc độ giải ngân trong quý 1 có xu hướng chậm lại trong đó một phần cũng ảnh hưởng bởi thời gian nghỉ lễ tết. FIDT đánh giá con số trên là khá không tích cực vì hiện nay chính sách tài khoá là kênh được mong đợi sẽ giúp thúc đẩy kinh tế cũng như tín dụng. Bên cạnh đó, các cổ phiếu đầu tư công sau đợt tăng nóng vừa qua có thể chịu ảnh hưởng trong ngắn hạn bởi thông tin trên.
Về tình hình vốn FDI
Cả vốn FDI đăng ký và vốn FDI thực hiện đều sụt giảm so với cùng kỳ năm trước trong đó vốn đăng ký sụt giảm khá mạnh chứng tỏ các doanh nghiệp nước ngoài đang khá thận trọng trong kế hoạch mở rộng sản xuất trong bối cảnh triển vọng kinh tế toàn cầu nhiều tiêu cực.
Việc vốn FDI sụt giảm đã được FIDT dự phóng trong BCCL2023 và trong ngắn hạn các doanh nghiệp BĐSKCN khả năng cao sẽ tiếp tục bàn giao đất đối với các hợp đồng đã ký và tình hình ký thêm được các hợp đồng mới có thể ảm đạm trong năm nay. Tuy nhiên trong dài hạn FIDT vẫn cho rằng Việt Nam đang sở hữu nhiều lợi thế cạnh tranh so với các quốc gia khác và sẽ tiếp tục là điểm đến hấp dẫn đối với nhiều doanh nghiệp quốc tế.
Tin đồn "fake" và đính chính của doanh nghiệp
Tháng 4 là thời gian các doanh nghiệp trên sàn thường tổ chức ĐHĐCĐ thường niên và công bố những thông tin quan trọng, thời gian gần đây giới đầu tư có thêm một trend mới đáng quan tâm là “phủ định tin đồn”.
Theo đó, những tin đồn được lan truyền rộng rãi trên các diễn đàn và phương tiện truyền thông đều đã bị chính người đại diện của doanh nghiệp phủ định. Điều đáng nói là những cổ phiếu liên quan đều đã bị tin đồn tác động đáng kể ở những phiên giao dịch trước đó.
Link tham khảo: https://vietstock.vn/2023/03/central-retail-bac-tin-don-mua-co-phan-cua-vincom-retail-830-1054244.htm
Link tham khảo: https://nguoiquansat.vn/nong-chu-tich-pg-bank-khang-dinh-khong-co-ke-hoach-sap-nhap-voi-msb-75750.html
Ý đồ của việc tung những tin đồn rất khó xác định, có nhiều tin đồn sau đó thành tin thật, và việc đầu tư theo tin đồn cũng giúp không ít Nhà đầu tư kiếm lời. Nhưng có khi tin đồn chỉ là “tin vịt” và hậu quả để lại là rất lớn.
FIDT khuyến nghị Nhà đầu tư cần thận trọng trong việc tiếp cận các nguồn tin đồn và tập trung vào nội tại doanh nghiệp cũng như vĩ mô thay vì giao dịch theo những tin tức chưa xác định trên thị trường.
Cập nhật về biến động của quỹ ETF Fubon
Về hút vốn ròng của Fubon, ngày cuối cùng tháng 3 quỹ đã có sự chậm lại đáng kể khi chỉ ghi nhận 0.93 triệu USD, thấp nhất kể từ khi huy động bổ sung lần 5.
Giao dịch của quỹ
Sau khi không có phát sinh giao dịch nào phiên trước đó, Fubon đã mua ròng trở lại với 45 tỷ VNĐ phiên giao dịch cuối tuần.
Tính đến hết 31/3, quỹ đã giải ngân hơn 1,514 tỷ VNĐ và còn khoảng hơn 2,300 tỷ nữa theo kế hoạch huy động lần này.
Sau khi tiếp tục mua ròng, tiền mặt cuối ngày của ETF này còn khoảng 90 tỷ VNĐ.
Hiện tại có thể thấy xu hướng giải ngân và hút vốn của Fubon là rất khó đoán khi chưa hề có dấu hiệu rõ ràng liên quan đến hoạt động của quỹ. FIDT vẫn sẽ cập nhật thường xuyên thông tin giao dịch của quỹ đến Nhà đầu tư nhằm theo dõi thêm.
CẬP NHẬT THÔNG TIN ĐHCĐ THƯỜNG NIÊN 2023
HPG - CTCP Tập đoàn Hòa Phát
- Kế hoạch kinh doanh dự kiến năm 2023 dự kiến doanh thu tăng nhẹ trong khi lợi nhuận giảm nhẹ. Cụ thể, doanh thu đạt 150,000 tỷ đồng (+5% so với năm 2022); lợi nhuận sau thuế đạt 8,000 tỷ đồng (-5.7%).
- Năm 2023 không chia cổ tức tiền mặt.
- Đại dự án Dung Quất giai đoạn 2: BLĐ cho biết, trong năm 2023 sẽ dừng lại tất cả các khoản đầu tư BĐS, mỏ quặng và mỏ than ở Úc để tập trung cao độ hoàn thành đại dự án thép Dung Quất GĐ2, tổng mức đầu tư 75,000 tỷ và thêm khoảng 25-30k tỷ vốn lưu động khi đi vào vận hành. Năm 2023 sẽ tập trung hoàn thành các giấy tờ pháp lý và tiếp tục đầu tư xây dựng cho Dung Quất 2. Dự án sẽ hoàn thành vào Q1/2025 và bắt đầu đi vào sản xuất và dự kiến đóng góp khoảng 80-100k tỷ doanh thu mỗi năm.
Tình hình ngắn hạn:
- Lợi nhuận Q1/2023: 2 tháng đầu năm lỗ, tháng 3 chưa có số cụ thể nhưng lợi nhuận tốt hơn 2 tháng đầu năm do giá thép đã hồi phục.
- 3 lò cao đã đóng từ cuối năm 2022 sẽ được mở lại trong 2 tháng tới.
FIDT nhận định kế hoạch tập trung nguồn lực để thực hiện dự án DQ2 là hợp lý trong bối cảnh hiện tại khi mà triển vọng ngành thép vẫn "Chưa sáng sủa" trong ngắn hạn và công tác đầu tư mở rộng công suất vào lúc này là cần thiết để HPG có thể tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong tương lai khi chu kỳ lớn của ngành thép tiếp diễn.
RS cho rằng trong ngắn hạn việc đóng hay mở lò cao cũng có thể là chỉ báo cho thấy giai đoạn xấu nhất đã đi qua. Tuy nhiên, yếu tố tiên quyết vẫn là nhu cầu ngành thép, được quyết định bởi ngành bất động sản và một phần từ đầu tư công. FIDT cho rằng HPG hiện tại vẫn xứng đáng là một cổ phiếu để tích sản khi điều chỉnh về những vùng giá thấp (chi tiết xin mời quý khách hàng tham khảo danh mục tích sản của FIDT).
BWE - CTCP Nước - Môi trường Bình Dương - 31/3
- BWE đặt kế hoạch kinh doanh 2023: Doanh thu đạt 3,970 tỷ đồng, tăng 2% so với thực hiện năm 2022. Lợi nhuận sau thuế tối thiểu 720 tỷ đồng, tăng gần 6% so với thực hiện năm 2022. Dự kiến chia cổ tức tối thiểu 13% vốn điều lệ.
- Lĩnh vực cấp nước: Dự kiến đầu tư tuyến ống đưa nước về vùng sâu đang phát triển
- Lĩnh vực xử lý rác thải: Đưa dự án xử lý rác thải giai đoạn 4 có phát điện vào sử dụng và lò đốt rác phát điện CS 5MW vào hoạt động vào 2023
- Dự kiến tăng vốn điều lệ hoặc huy động vốn ODA ít điều kiện của Ngân hàng ADB (không qua bảo lãnh của Chính phủ), Ngân hàng Thế giới, Cơ quan hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), tổ chức tài chính DEG của Đức,...
- Dự kiến hoàn thiện các hồ sơ pháp lý để thanh toán và chuyển chủ sở hữu các công ty mua lại của DNP Water ở Long An, Quảng Bình sở hữu từ 50%-100% số cổ phần của Đầu tư Hạ tầng nước DNP Long An, Công trình Đô thị Châu Thành, Công trình Đô thị Cần Giuộc, Nước và Môi trường Bằng Tâm, Đầu tư Hạ tầng nước DNP Quảng Bình.
DGC - Tập đoàn Hoá chất Đức Giang - 29/03/2023
- DGC đặt kế hoạch kinh doanh 2023: Doanh thu 10,875 tỷ đồng, trong đó doanh thu phốt pho vàng (P4) khoảng 4.600 tỷ đồng. LNST 3,000 tỷ đồng. Cổ tức dự kiến theo tờ trình là 30% nhưng chưa chốt tiền mặt hay cổ phiếu vì còn tuỳ thuộc vào nhu cầu vốn đầu tư thực tế năm 2023.
- Về đầu tư trong 2023: DGC dự kiến đầu tư xây dựng cơ bản tổng cộng 550 tỷ đồng, trong đó 50 tỷ đồng cho việc hoàn thành nhà máy NPK Đắk Nông và 500 tỷ đồng để khởi công tổ hợp Hóa chất Đức Giang Nghi Sơn.
- DGC sẽ không trích lập dự phòng khi giá P4 và phân đạm đang giảm. Giá bán phốt pho của Việt Nam đang cao hơn mặt bằng chung trên thế giới nhờ có các lợi thế về chất lượng tốt hơn, nên các khách hàng từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan… sẵn sàng trả giá cao hơn, những khách hàng này rất chú trọng về chất lượng.
- Nhu cầu axit phophoric (H3PO4) thực phẩm trên thế giới tốt, có thị trường lớn mới là Mỹ. Hiện DGC đang bắt đầu cung cấp cho Coca Cola toàn cầu. Thị trường Thái Lan cũng tiềm năng, họ mua chủ yếu từ Trung Quốc khoảng 80.000-90.000 tấn/năm, tuy nhiên hiện Trung Quốc lại đang hạn chế xuất khẩu, do đó DGC sẽ được hưởng lợi.
- Với mặt hàng LCD, DGC đang gửi mẫu sang Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản… từ năm ngoái, hiện khách đang đặt hàng dần, phong cách đặt hàng là đặt thử số ít, sau đó mới tăng dần lượng hàng. Lợi thế của LCD: (1) Không tốn thêm nhiều chi phí, (2) có biên lợi nhuận cao hơn hơn xuất phốt pho. (3) Quy trình sản xuất khá giống axit thực phẩm, chỉ cần thêm quy trình xử lý.
- Dự án về bô-xít tiếp tục chờ thông tin quy hoạch trong tháng 4 và mảng bất động sản sẽ tiếp tục chờ sửa đổi luật đất đai. Theo tính toán của chủ tịch dự án chế biến alumin có thể giúp công ty hoạt động tốt thêm 40 năm. Nếu chế biến được nhôm nữa thì doanh số tỷ USD là bình thường. Nếu tháng 4 được phê duyệt sẽ có giấy phép đầu tư, nên cần phải giữ lại tiền mặt.
FIDT nhận định, DGC có khá nhiều câu chuyện về tiềm năng tăng trưởng trong dài hạn, nhất là đối với những dự án đang được tập đoàn nhắm tới và sản phẩm chất lượng có nhu cầu ổn định.
Trong ngắn hạn 2023, DGC có thể gặp áp lực bởi nền cao năm trước nhưng khả năng cao doanh nghiệp vẫn có thể duy trì được hiệu quả kinh doanh thông qua biên lợi nhuận do sản phẩm P4 neo giá ở vùng cao. FIDT giữ quan điểm tích sản đối với cổ phiếu này và cho rằng vùng giá 50. +- (1000 VNĐ/CP) là vùng "giá rẻ" phù hợp với vị thế dài hạn.
LƯU Ý NHÀ ĐẦU TƯ
Quý khách nên đọc kỹ các rủi ro mà chúng tôi dự phòng và đề cập trong báo cáo, cũng như nhận diện được rủi ro thị trường để có lựa chọn đầu tư hiệu quả.
(*) Báo cáo này là tài sản và được giữ bản quyền bởi FIDT. Không được phép sao chép, phát hành cũng như tái phân phối báo cáo vì bất kỳ mục đích gì nếu không có văn bản chấp thuận của FIDT. Vui lòng ghi rõ nguồn khi trích dẫn nếu sử dụng các thông tin trong báo cáo này. Chúng tôi xin chân thành cảm ơn quý khách hàng!
FIDT - Focus On Performance