Tin tức
CafeF
Doanh nghiệp cắn răng tất toán sổ tiết kiệm lãi suất cao trước hạn để… vượt khó
Doanh nghiệp cắn răng tất toán sổ tiết kiệm lãi suất cao trước hạn để… vượt khó
datasource-prd
Tiền gửi của doanh nghiệp trong hệ thống các tổ chức tín dụng tăng mạnh hồi cuối năm 2022, rồi sau đó đột ngột giảm sâu.

 

avatar1687141824980-16871418257691411328954.webp

 

 

KHÓ KHĂN CHỒNG CHẤT DOANH NGHIỆP BUỘC PHẢI TẤT TOÁN SỔ TIẾT KIỆM TRƯỚC HẠN

 

Theo các thống kê của Ngân hàng Nhà nước, từ tháng 9/2022, lãi suất tiết kiệm tại các tổ chức tín dụng đã liên tục tăng lên. Không ít ngân hàng sẵn sàng chi trả lãi suất tiết kiệm lên đến hơn 10%/năm ở các kỳ hạn 6-12 tháng. Cùng lúc, một lượng tiền lớn từ khối doanh nghiệp đã đổ mạnh vào hệ thống ngân hàng. Nguồn tiền này được cho là do doanh nghiệp chưa dám mạnh dạn đầu tư cho sản xuất kinh doanh nên tạm gửi ngân hàng lấy lãi.

 

Tuy nhiên, sau đó không lâu, khi doanh nghiệp bước vào chu kỳ kinh doanh mới, lãi suất cho vay lại tăng lên. Vì những khó khăn đến đột ngột, doanh nghiệp đã rơi vào thế bị động. Không ít đơn vị chưa kịp hưởng thành quả vì việc gửi tiền với lãi suất cao đã phải cắn răng tất toán trước hạn để lấy tiền vượt khó.

 

Như trường hợp của bà Lê Uyên Phương, chủ một doanh nghiệp chuyên sản xuất và xuất khẩu đồ nội thất ở TP.HCM cho biết, dù đã chỉ còn thời gian ngắn nữa là sổ tiết kiệm sẽ đến hạn nhưng bà đã buộc phải tất toán trước hạn.

 

“Dịp cận Tết nguyên đán, sau khi thu hồi công nợ khách hàng và thấy lãi suất vẫn còn cao, cộng thêm việc nghĩ tình hình khó khăn không kéo dài nên tôi có gửi khoản tiền kha khá vào tiền gửi tiết kiệm doanh nghiệp kỳ hạn 6 tháng với lãi suất 10%/năm. Tuy nhiên, tình hình lại diễn biến xấu hơn dự kiến. Đến cuối quý I/2023 có đến hơn 70% vốn của công ty đang bị đọng ở hàng tồn kho, do đối tác không tiếp tục nhập hàng. Trong khi đó, lãi suất vay lại lên đến 14-15%/năm. Dù tính toán và chấp nhận trả lãi suất cao, nhưng chúng tôi vẫn không vay được vì vướng vấn đề tài sản thế chấp, phương án kinh doanh thì ngân hàng đánh giá là chưa khả thi. Thậm chí thế chấp sổ tiết kiệm cũng phải chờ gần nửa tháng mới được giải ngân. Trong khi ngày ngày đều phải tốn chi phí để trả tiền thuê mặt bằng, nhân công,... Do đó, tôi buộc phải tất toán toàn bộ các khoản tiết kiệm trước hạn để xoay sở”, bà Phương chia sẻ.

 

Hay ở trường hợp của anh Lê Minh Trí, một chủ doanh nghiệp chuyên xuất khẩu thiết bị bảo hộ lao động sang thị trường Hàn Quốc cũng chia sẻ, anh đã phải tất toán nhiều sổ tiết kiệm với lãi suất 8-9%/năm trước hạn chỉ để “hồi sức cấp cứu” cho doanh nghiệp.

 

“Hồi cuối tháng 9, lãi suất tiền gửi đã bắt đầu tăng lên. Lúc đó, công ty tôi vẫn còn đơn hàng, thặng dư vốn tương đối cao, lãi suất cũng 8-9%/năm, nếu gửi theo dạng doanh nghiệp thì còn được ưu đãi miễn một số loại phí giao dịch. Vì vậy thời điểm đó cứ thu hồi công nợ xong là tôi đem gửi tiết kiệm. Tuy nhiên, cuối quý IV/2022, tình hình của đối tác đã bắt đầu khó hơn. Lúc đó tôi có định sang lại sổ tiết kiệm cho người khác, nhưng không sang được vì thời điểm ấy lãi suất tiết kiệm vẫn lên cao. Thêm vào đó, đi vay rất khó, thậm chí vay thế chấp bằng sổ tiết kiệm cũng phải chờ 1-2 tuần, nhưng như vậy làm sao có thể cứu được công ty. Do đó, tôi buộc phải tất toán dần các sổ tiết kiệm. Đến giờ gần như là chưa được hưởng đồng lãi nào từ lãi suất cao”, anh Trí chia sẻ.

 

Thực tế, các số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy đến tháng 12/2023 (giai đoạn rất nóng của cuộc đua lãi suất huy động), lượng tiền gửi của các tổ chức kinh tế đã lên đến hơn 5,95 triệu tỷ đồng, mức cao nhất trong vòng 20 năm qua. Tuy nhiên, ngay từ đầu năm 2023, chỉ tiêu này ngay lập tức quay đầu giảm. Đến tháng 3/2023, tiền gửi của các tổ chức kinh tế trong hệ thống tổ chức tín dụng là hơn 5,66 triệu tỷ đồng, giảm 4,87% so với cuối năm 2022.

 

-16871418274941373565668.webp

 

 

Ý KIẾN CHUYÊN GIA

 

Theo Ông Ngô Thành Huấn - Giám đốc Điều hành, CTCP Tư vấn Đầu tư và Quản lý Tài sản FIDT, việc doanh nghiệp đem lượng lớn tiền kinh doanh đi gửi tiết kiệm lãi suất cao rồi sau đó ngậm ngùi tất toán trước hạn là một trong những dấu hiệu cho thấy doanh nghiệp mắc phải hội chứng sợ bỏ lỡ (Fear Of Missing Out - FOMO) và có khả năng hoạch định cũng như quản lý tài chính không tốt.

 

“Khi giải quyết các khó khăn về tài chính, doanh nghiệp nên tiến hành lần lượt thao tác: 1) rà soát kế hoạch doanh thu và dòng tiền theo quý/năm; 2) trao đổi với các đối tác để điều chỉnh chính sách bán chịu để giảm bớt gánh nặng tài chính; 3) cân nhắc thu hồi công nợ nhanh hơn bằng các ưu đãi thanh toán; 4) cân nhắc xử lý bớt tài sản để bổ sung vốn lưu động; 5) xấu nhất mới đến tình huống tái cơ cấu nợ với Ngân hàng (nếu có)

 

Việc tất toán các sổ tiết kiệm trước hạn giống như doanh nghiệp đang thực hiện thao tác thứ 4 lên trước và đây là một trong những hành động gây ảnh hưởng về mặt hiệu quả của doanh nghiệp”, ông Huấn đánh giá.

 

Ngoài ra, chuyên gia từ FIDT còn chỉ ra một điểm yếu khác của doanh nghiệp của bà Uyên Phương và ông Minh Trí đó là trong điều kiện bình thường đã không có nhân sự tài chính chuyên nghiệp để tối ưu nguồn vốn, cụ thể như là tận dụng khoản vay vốn lưu động tại các ngân hàng để tăng cường vốn cho sản xuất kinh doanh, đặc biệt giúp ích cho những lúc kinh doanh khó khăn như đợt phong tỏa vì Covid 19 hay khó khăn như năm 2023. Dẫn đến, doanh thu ảnh hưởng nặng nề song các nghĩa vụ thanh toán vẫn gây áp lực.

 

“Nhiều chủ doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm SME vẫn có tâm lý ‘sợ nợ’. Phần lớn vẫn cho rằng vì có thặng dư nên không cần đi vay. Đây là một cách tiếp cận chưa đúng với nguyên tắc quản trị nguồn vốn doanh nghiệp. Đây cũng là một hệ quả của việc không có nhân sự chuyên nghiệp chăm lo sức khỏe tài chính. Với vấn đề sử dụng nợ, không ít chủ doanh nghiệp cho rằng sử dụng nợ sẽ phải trả lãi và đây là chi phí. Tuy nhiên, còn một loại chi phí khác mà chủ doanh nghiệp thường không chú ý trong việc quản lý vốn đó là chi phí cơ hội. Việc sử dụng toàn phần vốn chủ sở hữu trong 1 mô hình kinh doanh sẽ hạn chế khá nhiều việc tiếp cận được các cơ hội kinh doanh khác của chủ doanh nghiệp. Thực tế nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra, nếu khai thác khoản vay tốt, doanh nghiệp sẽ được một nguồn vốn có chi phí vốn rẻ hơn rất nhiều so với chi phí sử dụng vốn chủ sở hữu, đồng thời có một hạn mức tín dụng dự phòng đủ lớn trong lúc khó khăn”, ông Huấn đánh giá.

 

smp07036-1687141829264-1687141829423570070979.webp

 

Ông Ngô Thành Huấn - Giám đốc Điều hành, CTCP Tư vấn Đầu tư và Quản lý Tài sản FIDT

 

 

FIDT - Tư vấn Đầu tư và Quản lý Tài sản

Chia sẻ bài viết
Bài viết có nội dung liên quan