Tin tức
VnExpress
Tài sản 4,5 tỷ đồng có nên bỏ phố về quê?
Tài sản 4,5 tỷ đồng có nên bỏ phố về quê?
datasource-prd
Chuyên gia khuyên nếu về quê, nên cho thuê nhà ở Hà Nội, chia 2 tỷ vào vàng, trái phiếu, chứng chỉ quỹ, cổ phiếu để đa dạng danh mục.

Xin chào mọi người. Tôi là nam, năm nay 33 tuổi. Hiện tại tôi bán hàng online tại Hà Nội. Vì vài lý do sức khỏe nên tôi không muốn bất cứ người con gái nào phải khổ, nên tôi sẽ không lấy vợ. Chính vì vậy, cuộc sống của tôi sẽ là độc thân.

 

Hiện tại tôi đã có nhà riêng ở Xuân Đỉnh, Bắc Từ Liêm. Đây là nhà cấp 4 và có gác xếp kiên cố, định giá hiện tại khoảng 2,5 tỷ đồng. Tài khoản có khoảng gần 2 tỷ nữa.

 

Tôi rất nhiều bệnh, sức khỏe ngày càng yếu nên muốn về vùng môi trường tốt hơn để sinh sống. Nếu rời Hà Nội, tôi không thể kinh doanh online được nữa, vì đặc thù sản phẩm tôi bán cần giao trong ngày. Tôi muốn xin lời khuyên tôi nên làm gì với số tiền và căn nhà để đảm bảo được cuộc sống sau này của mình.

 

Nguyễn Thị Hồng Linh - chuyên gia Hoạch định tài chính cá nhân thuộc Công ty Tư vấn đầu tư & Quản lý tài sản FIDT - trả lời tư vấn cho câu hỏi này.

 

Việc đưa ra quyết định rời thành phố (trường hợp của bạn có thể hiểu như nghỉ hưu sớm) chắc hẳn là một điều không dễ dàng với một người trẻ 33 tuổi. Theo quan điểm của một người hoạch định tài chính, mọi quyết định quan trọng không nên cảm tính mà cần phải có cơ sở tài chính vững chắc để có thể an tâm trong thời gian dài về sau.

 

Trước khi lên kế hoạch chuyển về quê sinh sống, bạn cần xác định được một số yếu tố sau. Trước hết, hãy trả lời cho câu hỏi: Khi thu nhập hiện tại mất đi, bạn đã có kế hoạch gì để bù đắp vào khoản thu nhập đó hay chưa?

 

Thực sự việc mất đi thu nhập chính là một vấn đề lớn, kể cả khi bản thân không có người phụ thuộc. Bạn đang có một căn nhà cấp 4 ở Hà Nội, nếu căn nhà được sửa lại và cho thuê, dòng tiền sinh ra từ bất động sản này mỗi tháng có bù đắp được thu nhập cho bạn hay không? Trong trường hợp lợi suất đầu tư chưa thể ngay lập tức đem đến dòng tiền ổn định, bạn cần nghiên cứu phương án để tiếp tục một công việc nào đó phù hợp với tình hình sức khỏe và duy trì mức sống đảm bảo.

 

Bạn có thể cân nhắc chọn một công việc khác, phù hợp với sở trường hoặc chọn những công việc mang tính chất freelancer hoặc làm trên online để không phải đi lại nhiều. Tuy không mang lại mức thu nhập cao như trước, chúng giúp cho cuộc sống bạn có ý nghĩa hơn khi đem lại nhiều giá trị cho người khác, đồng thời cũng là một nguồn thu nhập bổ sung.

 

Thứ hai, bạn cần xác định được chi phí sinh hoạt tối thiểu trong một tháng khi chuyển về quê sống. Hãy ước tính chi phí sinh hoạt hàng tháng tại nơi định cư mới, bao gồm chi tiêu cho thực phẩm, điện nước, giao thông và giải trí. Nếu mức chi tiêu hiện tại cho một người sinh sống ở Hà Nội trung bình rơi vào khoảng 7-10 triệu đồng mỗi tháng, với mức thu nhập dưới 20 triệu, khi về quê mức chi tiêu này sẽ thay đổi.

 

Nếu bạn muốn xây mới nhà ở quê hoặc cải tạo nhà cửa, cần lập kế hoạch chi tiết cho việc này, bao gồm việc thuê kiến trúc sư, mua sắm vật liệu xây dựng và chi phí nhân công. Ngoài ra, chi phí y tế dự phòng bao gồm khám chữa bệnh (tại nơi ở hoặc về tuyến trung ương, theo kế hoạch của bạn), thuốc men, đi lại.

 

Khi thu nhập giảm sút, bạn cần phải có các biện pháp quản lý thật chặt chẽ chi tiêu. Bạn có thể tham khảo phương pháp 50-30-20, khoanh vùng chi tiêu, phù hợp với mức sống mà bạn mong muốn. Phương pháp này sẽ phân chia thu nhập của bạn thành ba khoản: nhu cầu thiết yếu, sở thích, đầu tư và tiết kiệm. Thứ tự phân bổ sẽ ưu tiên như sau: 20% thu nhập cho tiết kiệm và đầu tư trước (tiền gửi tiết kiệm, quỹ dự phòng hoặc các khoản đầu tư khác); 30% thu nhập cho các khoản thu nhập không thiết yếu (du lịch, ăn uống nhà hàng, hưởng thụ); 50% thu nhập cuối cùng sẽ là khoản chi tiêu thiết yếu như chi phí sinh hoạt, nhà ở...

 

Không có quy tắc tài chính nào phù hợp với tất cả mọi người. Tuy nhiên quy tắc 50-30-20 có thể là bước khởi đầu giúp bạn xây dựng được ngân sách phù hợp và hiệu quả nhất cho bản thân.

 

Vấn đề cần quan tâm tiếp theo là bảo hiểm và quỹ dự phòng khẩn cấp. Về bảo hiểm nhân thọ, mức phí khuyến nghị nên tương đương 5-8% thu nhập năm. Khi nghỉ hưu sớm, nguồn thu nhập chủ động giảm sút, phí bảo hiểm cần ở mức vừa phải. Các loại bảo hiểm sẽ là những tấm lá chắn giúp gia đình không bị thiệt hại kép, khi vừa gặp rủi ro, vừa thiệt hại về tài chính. Nếu bạn chưa có bảo hiểm nhân thọ và đang có bệnh nền, bạn có thể thử việc nộp hồ sơ cho các công ty bảo hiểm đánh giá tình trạng bệnh nền. Bởi không hẳn cứ có bệnh là công ty bảo hiểm sẽ không bán mà còn có những mức độ bao gồm loại trừ, tạm hoãn tăng phí và cuối cùng mới là từ chối.

 

Về bảo hiểm y tế, đây là loại bảo hiểm tất cả mọi người cần có. Bạn cần tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện, sẽ giúp cung cấp hỗ trợ tài chính một phần hay toàn bộ chi phí khám chữa bệnh nhằm hỗ trợ người tham gia giảm thiểu các chi phí chăm sóc sức khỏe hay các chi phí liên quan đến việc điều trị, phục hồi sức khỏe trong những trường hợp như tai nạn, bệnh tật với chi phí thấp.

 

Ngoài ra, bạn cần xây dựng một quỹ dự phòng khẩn cấp bằng cách để ra một khoản tương đương 3-6 tháng chi tiêu hàng ngày là điều cần thiết để đối phó với các tình huống bất ngờ.

 

Cuối cùng, tôi muốn bàn về việc phân bổ danh mục tài sản. Một danh mục tài sản tốt phải đảm bảo các yếu tố về khả năng sinh lời, đa dạng các lớp tài sản, khả năng thanh khoản tốt và tối ưu về rủi ro.

 

Danh mục tài sản của bạn hiện tại đang có bất động sản và tiền gửi ngân hàng. Bạn có thể cân nhắc bổ sung thêm các lớp tài sản như vàng, trái phiếu, chứng chỉ quỹ, cổ phiếu để đa dạng danh mục. Để xác định được loại tài sản và tỷ trọng phân bổ cụ thể, bạn cần xác định được khẩu vị rủi ro và sức khỏe tài chính thông qua khảo sát của chuyên gia hoạch định tài chính cá nhân.

 

Ở đây, tôi sẽ phân tích chi tiết hơn về danh mục tài sản của bạn. Trước hết về bất động sản, hiện tại bạn đang sở hữu một nhà thổ cư tại Hà Nội, định giá hiện tại ước tính 2,5 tỷ đồng. Vì thông tin bất động sản cung cấp chưa đầy đủ, nên tôi có các giả định cho bạn như sau.

 

Phương án thứ nhất, nếu bạn đã có bất động sản ở quê, vậy bất động sản ở Hà Nội có thể trở thành bất động sản cho thuê. Bạn có thể sửa lại và cho thuê tài sản đó với giá dự kiến là 5-7 triệu đồng mỗi tháng, là một nguồn thu nhập bổ sung rất hữu ích. Với khoản thu nhập đó, bạn hoàn toàn có khả năng chi trả các chi phí sinh hoạt tối thiểu ở nông thôn. Phần tiền còn lại cơ cấu theo danh mục lớp tài sản tôi có đề xuất ở trên.

 

Phương án thứ hai, nếu bạn chưa có bất động sản ở quê, vậy bạn cần xác định rõ chi phí mua đất và nhà ở quê. Từ đó, bạn sẽ tính được số tiền còn lại và lên kế hoạch phân bổ đầu tư hợp lý.

 

Phương án thứ ba, do tình hình sức khỏe không tốt, bạn có thể chú trọng đến việc bất động sản tạo ra nguồn thu nhập. Tôi khuyến nghị tìm hiểu một số căn chung cư có tầm tiền phù hợp và có thể tạo ra được dòng tiền ổn định hàng tháng, lợi suất tốt hơn cho thuê nhà đất thổ cư.

 

Về khoản tiền tiết kiệm, sau khi giải quyết xong vấn đề về nhà ở, bạn sẽ phân bổ tiếp phần tiền còn lại vào các lớp tài sản khác. Bạn có thể tìm hiểu thêm về chứng chỉ quỹ và cổ phiếu. Giai đoạn 2024-2026 là thời điểm kỳ vọng phục hồi của nền kinh tế, thị trường chứng khoán có khả năng vực dậy mạnh mẽ. Nếu đầu tư với chu kỳ 3-5 năm, nhà đầu tư có khả năng nhận được hiệu quả tốt. Đối với những nhà đầu tư không chuyên có thể tiếp cận thị trường qua chứng chỉ quỹ hoặc cổ phiếu thông qua sự tư vấn của các chuyên gia hoạch định tài chính cá nhân.

 

Sau khi cân nhắc các yếu tố ở trên, tôi hy vọng bạn đã có tầm nhìn sơ bộ về bức tranh tài chính cá nhân trong thời gian tới. Vì thông tin bạn cung cấp cho tôi, đang ở mức rất cơ bản và chưa chi tiết, do đó kế hoạch tài chính có thể chưa thực sự sát với thực tế của bạn. Nếu có thể, bạn hãy liên hệ với một chuyên gia hoạch định tài chính cá nhân để tư vấn cho mình. Chúc bạn và gia đình nhiều sức khỏe và nhiều niềm vui!

 

FIDT - Tư vấn Đầu tư và Quản lý Tài sản

Chia sẻ bài viết
Bài viết có nội dung liên quan