Đầu tiên, tôi chúc mừng gia đình anh, ở tuổi 50 với tổng giá trị tài sản sở hữu đáng kể (19 tỷ đồng) là mong muốn của đa số người dân Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, khi anh có dự định nghỉ hưu ở tuổi này và với những thông tin đã chia sẻ, tôi tin rằng anh cần có cho mình một kế hoạch tài chính toàn diện để đảm bảo có đủ tài chính, an tâm nghỉ ngơi, du lịch hay trồng cây, nuôi cá trong khoảng 30-40 năm nữa.
Phân tích tình hình tài chính
Thứ nhất, đánh giá về thu nhập và chi tiêu. Tổng thu nhập hàng tháng của anh hiện tại là 90 triệu đồng, gồm 50 triệu từ kinh doanh, cho thuê nhà 20 triệu và lãi tiền gửi tiết kiệm 20 triệu. Chi phí sinh hoạt của gia đình hàng tháng là 50 triệu đồng (chiếm 56% thu nhập), do đó, thu nhập thặng dư hàng tháng khoảng 40 triệu đồng. Đây là một tỷ lệ chi tiêu khá hợp lý với mức thu nhập từ 70-100 triệu đồng mỗi tháng.
Tuy nhiên, khi nghỉ hưu và mất thu nhập từ kinh doanh, số tiền có được hàng tháng sẽ giảm còn 40 triệu đồng, không đủ để bù đắp chi phí sinh hoạt. Nếu các con của anh vẫn trong độ tuổi đi học, học phí sẽ tăng theo thời gian và các cấp. Vậy có hai câu hỏi đặt ra ở đây: Việc nghỉ hưu và mất hoàn toàn thu nhập trong thời điểm hiện tại đã hợp lý hay chưa? Nếu quyết tâm nghỉ hưu thì anh sẽ cần có những nguồn thu nhập bù đắp ra sao?
Tiếp theo, chúng ta đánh giá hiệu quả đầu tư bất động sản. Căn hộ chung cư trị giá 5 tỷ đồng đang là nơi ở của gia đình. Theo thống kê của FIDT trên thị trường căn hộ chung cư TP HCM giai đoạn 2015-2021, căn hộ không quá mới (bàn giao sau 4 năm) có hiệu suất tăng trưởng về giá bình quân đạt 5-6% mỗi năm và căn hộ càng nhiều năm tuổi, hiệu suất này sẽ càng giảm (căn hộ trên 5 năm từ khi bàn giao thường có mức tăng giá khoảng 3-4%).
Về nhà đất trị giá 6 tỷ đồng đang cho thuê, thu nhập tạo ra là 20 triệu đồng mỗi tháng, tương đương tỷ suất lợi nhuận 4% mỗi năm. Cũng theo thống kê của FIDT, đất thổ cư tại TP HCM có thể đạt hiệu suất 10-12% bình quân hàng năm. Cộng với tỷ suất lợi nhuận cho thuê, hiện tài sản này của anh có thể đạt tỷ suất lãi 14-16%. Đây là kênh đầu tư ổn định và phù hợp với chiến lược tài chính khi nghỉ hưu.
Chúng ta cũng cần đánh giá về các kênh đầu tư khác. Hiện tại anh có 5 tỷ đồng trong tài khoản tiết kiệm, lãi suất 4,8% một năm, mang lại thu nhập ổn định. Anh còn có tài sản kỹ thuật số 3 tỷ đồng. Đây là kênh đầu tư có biến động lớn và rủi ro cao. Tôi không khuyến nghị anh tiếp tục đầu tư mạnh vào kênh này do chưa đảm bảo tính pháp lý theo quy định pháp luật.
Về cơ bản các kênh đầu tư của anh khá đa dạng. Tuy nhiên, trong những lớp tài sản quan trọng thì tài sản phòng vệ lại đang thiếu. Tài sản tăng trưởng tốt và bền vững như chứng chỉ quỹ mở, ETF, chứng khoán cũng chưa có. Điều này dẫn đến chưa tối ưu được hiệu suất đầu tư và đem lại hiệu quả tốt về hoạch định tài chính.
Khuyến nghị kế hoạch tài chính cho hưu trí
Lời khuyên đầu tiên là xây dựng quỹ dự phòng và phương án bảo vệ tài chính. Trước hết anh cần có quỹ dự phòng khẩn cấp khoảng 6 tháng chi tiêu, tương đương 300 triệu đồng để đảm bảo dòng tiền của gia đình được duy trì trong trường hợp không may như ốm đau bệnh tật, công việc có trục trặc hoặc những việc cần một khoản chi lớn. Do anh không nhắc đến việc đã có bảo hiểm nhân thọ, quỹ dự phòng này sẽ là 6 tháng chi tiêu. Sau khi anh trang bị bảo hiểm cho gia đình, anh có thể giảm quỹ xuống và mức tối thiểu là 3 tháng chi tiêu.
Tôi khuyến nghị quỹ dự phòng nên phân bổ theo tỷ lệ 30/70 hoặc 50/50 với kỳ hạn từ 1 đến 6 tháng.
Sau đó, anh nên dành 5-8% thu nhập cho các loại bảo hiểm như bảo hiểm y tế, bảo hiểm nhân thọ và sức khỏe. Điều này sẽ làm giảm thiểu rủi ro từ các biến cố bất ngờ tới 70%, theo thống kê của Bộ Tài chính. Anh có thể tham khảo ý kiến chuyên gia về việc sắp xếp các loại bảo hiểm này hợp lý và tối ưu.
Tôi cũng khuyến nghị tái cấu trúc tỷ trọng tài sản theo 4 tiêu chí là hiệu quả sinh lời, đa dạng lớp tài sản, có khả năng thanh khoản tốt và tối ưu về rủi ro. Danh mục tài sản hiện tại của anh gồm có tiền gửi ngân hàng và bất động sản với tổng giá trị 19 tỷ, trong đó hai bất động sản chiếm tỷ trọng 58%. Để số tài sản này sinh lời hiệu quả, tôi khuyến nghị như sau:
Thứ nhất, dành 30% tổng tài sản đầu tư cổ phiếu và chứng chỉ quỹ. Đầu tư vào cổ phiếu có tiềm năng sinh lời cao và giúp gia tăng giá trị tài sản trong dài hạn. Tuy nhiên, rủi ro cũng khá cao, do đó cần chọn lựa cổ phiếu của các công ty lớn, có nền tảng tài chính vững vàng và tiềm năng tăng trưởng. Anh có thể tham khảo tư vấn phương pháp tích sản từ cổ phiếu, chứng chỉ quỹ mở, quỹ ETF từ các chuyên gia để có thể tham gia thị trường một cách bền vững
Thứ hai, dùng 40-60% tài sản đầu tư bất động sản. Hiện tại tổng giá trị căn hộ và nhà đất đang chiếm tỷ trọng 58%. Tuy nhiên, theo như phân tích ở trên, căn chung cư anh đang sở hữu nếu đã đi qua chu kỳ tăng trưởng tốt nhất (sau 8 năm), có thể cân nhắc đến việc cơ cấu lại bằng cách bán ở giá tốt và mua một căn hộ mới có thời gian bàn giao dưới 8 năm.
Ngoài ra thị trường bất động sản đang ấm dần, anh có thể cân nhắc mua đất nền vùng ven các thành phố lớn để đầu tư và tích lũy. Quá trình đầu tư cần đảm bảo tính pháp lý chắc chắn và có sự tham vấn từ chuyên gia về quy hoạch. Với phương án này, tỷ suất sinh lời dự kiến từ 10-15% mỗi năm.
Mặc dù anh có 3 tỷ đồng trong tiền số, đây là kênh đầu tư rủi ro cao và chưa có sự đảm bảo pháp lý tại Việt Nam. Do đó tôi khuyến nghị không đầu tư. Nếu vẫn mong muốn, anh có thể giữ tỷ trọng dưới 5% tổng tài sản. Với các kênh đầu tư khác, anh có thể lựa chọn trái phiếu doanh nghiệp, chứng chỉ tiền gửi và phân bổ theo tỷ lệ vừa phải khoảng 10-15% cho mỗi kênh.
Dựa vào tất cả các khuyến nghị và phân tích ở trên, anh nên cân nhắc kỹ hơn về việc mất đi thu nhập 50 triệu đồng mỗi tháng ở thời điểm hiện tại. Anh có thể giảm thời gian và khối lượng công việc xuống, đưa về mức thu nhập hàng tháng khoảng 20-25 triệu đồng trước. Sau đó thực hiện cơ cấu lại tài sản với mức tăng trưởng hợp lý, cùng với sự đồng hành của chuyên gia, để có những quyết định chuẩn xác hơn.