Tiền tỷ mà không biết đầu tư vào đâu
Mới đây, trên một cộng đồng về Tài chính hơn 500.000 thành viên, một độc giả người Việt có chia sẻ về việc đang làm ở nước ngoài gần chục năm nhưng đang có ý định trở về Việt Nam trong 3-5 năm tới nên muốn đầu tư mua nhà Hà Nội để giữ tiền.
Theo bạn độc giả, tiền mặt đang có 5 tỷ gửi ngân hàng, hàng tháng thu nhập 2 vợ chồng dư ra khoảng 100 triệu. Bạn độc giả thắc mắc với tình hành tài chính như vậy thì nên đầu tư vào đâu, vàng cao không dám mua vào, lãi ngân hàng thì thấp, lạm phát đồng tiền mất giá để ngân hàng mấy năm sẽ bị mất giá trị.
Đồng thời, bạn độc giả cũng cho biết, đã tìm hiểu qua mạng vài dự án quanh Hà Nội, nhưng vẫn chưa tìm được bài toán cho mình trong 5 năm nữa về lại Việt Nam. Và nhờ cộng đồng mạng chia sẻ kinh nghiệm giữ tiền, đầu tư vào BĐS khu vực tiềm năng, mục tiêu giữ tiền và khi về Việt Nam có một tài sản.
Tương tự, anh Bùi Thanh Tâm (40 tuổi), gốc Hà Nội, đang làm việc tại Đài Loan, hiện cũng đang có quỹ tiền gửi và 1 số khoản đầu tư chứng khoán, quỹ ETF khoảng gần 6 tỷ đồng. Anh Tâm có kế hoạch trong khoảng 5 năm tới sẽ về Việt Nam để tiện chăm sóc bố mẹ già. Chính vì vậy, anh cũng đang tìm hiểu một số sản phẩm bất động sản để giữ tiền. Lý do được anh H đưa ra là mặt bằng giá nhà ở Việt Nam vẫn đang còn khá hấp dẫn, và xu hướng tăng giá trong tương lai vẫn còn rất tốt.
“Tháng trước tôi có về nước, tham khảo 1 căn nhà trong ngõ, trên phố Văn Cao với giá hơn 8 tỷ đồng cho diện tích gần 50m2. Cũng đang tính vay thêm họ hàng tại Việt Nam để sớm sở hữu bất động sản”, anh Tâm cho biết thêm.
Tuy nhiên, anh Tâm cũng đang phân vân xem nên chọn nhà phố nội thành Hà Nội hay tìm mua dự án nhà liền kề ven đô.
Các chuyên gia tài chính cho biết, thực tế hiện nay nhiều người Việt có nguồn lực về tài chính nhưng lại chưa biết làm thế nào để tối ưu được dòng tiền của mình, lựa chọn các kênh đầu tư phù hợp. Hoặc chính bản thân gặp phải những vết thương tài chính trong quá khứ khiến việc đưa ra quyết định đầu tư thận trọng hơn. Đặc biệt, nhiều quyết định “xuống tiền” còn mang tính đơn lẻ, chưa nằm trong một bức tranh tài chính tổng thể và tầm nhìn dài hạn. Đó là lý do dẫn đến các thương vụ đầu tư sai lầm, mất tiền, gây ra hệ luỵ về tài chính như quay cuồng trong nợ nần, phải bán tài sản, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.
Theo Backbase, một công ty Hà Lan chuyên cung cấp nền tảng chuyển đổi số cho các ngân hàng nhận thấy, khoảng 67% người Việt tham gia khảo sát cảm thấy loay hoay về quản lý tài chính. Tỷ lệ này cao thứ hai trong 10 nước châu Á - Thái Bình Dương, chỉ đứng sau Thái Lan. Trong khi đó, chỉ có 11% người Việt là lạc quan về tình hình tài chính.
Cụ thể, thách thức lớn nhất trong quản lý tài chính là tiết kiệm (tỷ lệ 67%), các khó khăn khác bao gồm: "ngập" trong nợ nần (tỷ lệ 62%), dành dụm tiền về hưu (tỷ lệ 48%), cách thức quản lý tiền bạc (tỷ lệ 45%), cách quản lý danh mục đầu tư (tỷ lệ 33%).
"Không sở hữu sớm BĐS, giá sẽ còn tăng"
Số liệu cho thấy, thị trường bất động sản tại Hà Nội đã ghi nhận sự tăng trưởng đều đặn trong 5 năm qua, với mức tăng trưởng bình quân khoảng 7-10% mỗi năm. Giá bán căn hộ chung cư tại Hà Nội đã tăng từ khoảng 24-27 triệu đồng/m² vào năm 2017, lên tới 33-38 triệu đồng/m² vào năm 2021-2022.
Mới đây, Trung tâm Nghiên cứu thị trường và Am hiểu khách hàng OneHousing cho biết, tính đến quý II/2024, mặt bằng giá căn hộ sơ cấp toàn thị trường Hà Nội trung bình đạt khoảng 65 triệu đồng/m2, tăng 25% theo quý và 29,8% theo năm.
Trao đổi với VietnamFinance, bà Bùi Thị Trang, Chuyên gia Hoạch định Tài chính cá nhân FIDT cho biết, bất kỳ ai trước khi bắt đầu cho kế hoạch đầu tư, cần trang bị lớp tài sản bảo vệ tài chính gồm quỹ dự phòng và bảo hiểm cho những khoản chi phí bất ngờ, ngoài dự tính như mất việc, gia đình gặp biến cố…
Thông thường, quỹ dự phòng nên có từ 3 đến 6 tháng chi tiêu thiết yếu và để ở tiền gửi kỳ hạn ngắn 1 tháng và 6 tháng.
“Vợ chồng bạn độc giả đang ở nước ngoài và có ý định trở về Việt Nam trong 3-5 năm tới, bạn có thể cân nhắc tham gia bảo hiểm cho gia đình với mức phí hàng năm từ 5-8% thu nhập, nếu hiện tại chưa có phương án ”, chuyên gia Trang Bùi khuyến nghị.
Sau khi đã có tấm khiên bảo vệ tài chính, chúng ta cùng tìm kiếm các kênh đầu tư. Hiện bạn độc giả đang có 5 tỷ gửi tiết kiệm và dư ra khoảng 100 triệu mỗi tháng. Nếu lựa chọn bất động sản thì cần phải lưu ý 2 yếu tố, đầu tiên BĐS là loại tài sản neo giữ giá trị tốt, miễn là bạn mua ở nền giá hợp lý. Và thứ hai việc định giá và chọn khu vực có tiềm năng tăng trưởng là rất quan trọng.
Tuy nhiên, việc bỏ hết trứng vào một rổ khi dùng toàn bộ khoản tiền đang có để mua bất động sản có thể là chưa được hợp lý, sẽ có thể đối mặt với rủi ro thanh khoản khi cần tiền gấp bởi giá trị cao, chi phí giao dịch lớn, kém linh hoạt.
Bạn độc giả có thể cân nhắc thêm loại hình BĐS dân sinh tại thành phố lớn, giá trị khoảng 3- 4 tỷ trở về có khả năng thu hút cầu lớn trong tương lai gần.
"Tại Hà Nội, bạn có thể cân nhắc đất nền Hoà Lạc, Đông Anh, Hoài Đức, Chương Mỹ, Thạch Thất”, chuyên gia Bùi Thị Trang gợi ý.
Số tiền còn lại sẽ cân nhắc phân bổ thêm một số kênh đầu tư để đa dạng hóa danh mục đầu tư như vàng dưới 10% tài sản, gửi tiết kiệm. Có thể mua chứng chỉ quỹ của các quỹ uy tín, hiệu quả đầu tư tốt, hoặc đầu tư tích sản cổ phiếu bằng cách mua đều đặn một vài mã chứng khoán đã chọn lọc. Để ra quyết định đầu tư, có thể tham khảo nhiều nguồn thông tin khác nhau hoặc sử dụng dịch vụ tư vấn chứng khoán uy tín để hạn chế rủi ro thua lỗ.
“Một yếu tố không thể thiếu khi đầu tư đó là cần xem xét chu kì kinh tế để chọn lựa thời điểm mua bán phù hợp. Khẩu vị rủi ro và kinh nghiệm đầu tư cũng nên tính đến khi chọn lựa sản phẩm đầu tư”, bà Trang lưu ý thêm.
Theo một vị chuyên gia bất động sản, nền giá đất ở các quận trung tâm Hà Nội hiện nay đã khá cao so với các quận ngoại thành, nên nhà phố ở những tuyến đường lớn và vị trí đẹp càng có giá trị. Với mức tài chính như trên, bạn độc giả có thể tham khảo nhà phố ở các quận vùng ven với một mức giá hợp lý, phù hợp với nguồn tài chính khoảng 5-6 tỷ đồng. Mua để cho thuê ở hoặc kinh doanh đều được, có thêm dòng tiền đều hàng tháng. Hoặc với dòng tiền ổn định 100 triệu hàng tháng, bạn độc giả hoàn toàn có thể sử dụng đòn bẩy tài chính để sở hữu BĐS giá trị hơn.
“Nếu xác định mua để cho thuê thì chấp nhận phải có giai đoạn lợi nhuận không được như kỳ vọng. Còn nếu trông chờ vào việc tăng giá của nhà phố trong dài hạn từ 5-10 năm thì mua nhà phố cũng là lựa chọn khá chắc chắn”, một vị chuyên gia BĐS nói thêm.
Các chuyên gia tài chính cho rằng, việc lựa chọn đầu tư bất kỳ một sản phẩm nào cũng phải phù hợp với bức tranh tài chính hiện tại bao gồm nhân khẩu học tài chính, sự ổn định nguồn thu nhập, bảo vệ tài chính, trách nhiệm tài chính…, mong muốn, nhu cầu trong tương lai ngắn hạn, dài hạn và khẩu vị rủi ro. Đồng thời cân nhắc đến các yếu tố về tỷ trọng tài sản, cũng như tính thanh khoản.
“Giá bất động sản thổ cư, chung cư, nhà phố trong tương lai dự kiến có thể tăng theo những thay đổi về mặt pháp lý khi 3 bộ Luật mới có hiệu lực, cụ thể bỏ khung giá đất. Nếu có thể bạn độc giả hãy tham khảo tư vấn của chuyên gia hoạch định tài chính và sớm sở hữu tài sản bất động sản phù hợp”, vị chuyên gia tài chính nhấn mạnh.