Chúc mừng bạn đã có một khởi đầu rất tốt trong việc quản lý tài chính cá nhân. Việc bạn có thể tích lũy được hơn 100 triệu đồng và ổn định thu nhập hàng tháng là một bước tiến quan trọng trong hành trình phát triển tài sản và năng lực quản lý tài chính. Với vai trò một chuyên gia tài chính, tôi sẽ giúp bạn định hướng đầu tư sao cho hiệu quả và an toàn, phù hợp với tình hình hiện tại.
Đầu tiên, nhìn tổng quan những yêu cầu, tôi xác định rằng bạn hiện tại chưa có nhiều kinh nghiệm trong hoạt động đầu tư và có khẩu vị rủi ro theo quan điểm của bạn là đặt tính an toàn và hiệu quả lên hàng đầu. Đây là cơ sở để tôi xây dựng hệ thống lời khuyên phù hợp. Bên cạnh đó, việc bắt đầu suy nghĩ sớm đến đầu tư ở độ tuổi 20 là một điều tốt để bạn có thể vừa học tập, nâng cao năng lực đầu tư, vừa có thể có những trải nghiệm gia tăng tài sản theo thời gian phù hợp với độ tuổi.
Ở góc nhìn về vị trí địa lý, tôi nhận thấy bạn có thể lựa chọn các hình thức đầu tư tại Việt Nam và cả tại quốc gia đang sinh sống. Trong khuôn khổ bài viết, tôi sẽ phân tích về một số khuyến nghị đầu tư tại Việt Nam.
Xây dựng quỹ dự phòng
Trong bối cảnh bạn đang làm việc và học tập tại nước ngoài, việc đầu tiên và quan trọng nhất là xây dựng một quỹ dự phòng. Quỹ này sẽ giúp đảm bảo tài chính trong những tình huống khẩn cấp như chi phí y tế, vé máy bay về nước hoặc các vấn đề phát sinh ngoài dự kiến. Thông thường, quỹ dự phòng nên đủ để trang trải từ 3-6 tháng chi phí sinh hoạt.
Bạn có thể dành khoảng 3 tháng chi tiêu tối thiểu từ khoản tiền tiết kiệm hiện tại để tạo quỹ này, gửi vào tài khoản tiết kiệm ngắn hạn hoặc tiền gửi có kỳ hạn tại ngân hàng.
Bảo hiểm sức khỏe và nhân thọ
Ở độ tuổi 20, hầu hết bạn trẻ đều mong muốn tìm kiếm những kênh sinh lời hiệu quả. Tuy nhiên, với quan điểm nhiều năm cố vấn tài chính, tôi cho rằng bạn nên xây dựng các lớp phỏng thủ an toàn trước khi nghĩ đến việc gia tăng tài sản. Cụ thể hơn, bạn nên dành từ 5-8% thu nhập hàng tháng để tìm hiểu về bảo hiểm sức khỏe ở bên Nhật. Đây sẽ là loại bảo hiểm giúp bạn trang trải chi phí y tế đắt đỏ tại Nhật Bản và tìm hiểu về bảo hiểm nhân thọ tại Việt Nam.
Hiện tại, các công ty bảo hiểm nhân thọ tại Việt Nam cũng chấp nhận bảo vệ cho những du học sinh, bạn có thể tham khảo thêm để có hình thức bảo vệ phù hợp.
Đầu tư các sản phẩm tài chính an toàn với tỷ trọng lớn
Với mục tiêu an toàn và sinh lời hiệu quả, bạn nên cân nhắc đầu tư vào các sản phẩm tài chính có rủi ro thấp. Thứ nhất là chứng chỉ tiền gửi - một hình thức tiết kiệm có lãi suất cao hơn tài khoản tiết kiệm thông thường. Bạn có thể gửi trong thời hạn từ 6 tháng đến 1 năm với lãi suất cố định và ổn định.
Thứ hai là chứng chỉ quỹ trái phiếu hoặc cổ phiếu. Ở hình thức này, bạn ủy thác cho các công ty quản lý quỹ để thay bạn thực hiện đầu tư vào thị trường chứng khoán. Kênh này không đòi hỏi vốn lớn, đáp ứng được tính đa dạng và tận dụng được ưu thế của các chuyên gia tài chính cố vấn cho quỹ. Dĩ nhiên, bạn sẽ phải chịu một khoản phí quản lý quỹ hàng năm từ 1-2% để việc ủy thác được thuận lợi và hợp lý.
Bên cạnh đó, bạn cũng có thể tham khảo thêm về quỹ ETF (quỹ chỉ số). Đây là hình thức quỹ có biến động dựa trên sự tăng giảm của một rổ chỉ số bao gồm các cổ phiếu được tập hợp theo một hệ giá trị nhất định ví dụ VN30, VN Diamond. Quỹ này có ưu điểm như chi phí quản lý thấp, hiệu suất sinh lời phù hợp và có tính đa dạng hóa, ổn định và bền vững trên thị trường chứng khoán.
Học hỏi và nâng cao kiến thức đầu tư
Một điều rất quan trọng khi bắt đầu đầu tư là bạn cần trang bị cho mình những kiến thức cơ bản. Điều này sẽ giúp hiểu rõ hơn về các kênh đầu tư và đưa ra quyết định chính xác hơn. Bạn có thể tham gia các khóa học trực tuyến hoặc đọc sách về tài chính cá nhân, đầu tư chứng khoán hoặc quản lý rủi ro. Với độ tuổi 20, bạn có thể xuất sắc hơn ngay từ ngày hôm nay.
Tôi đề xuất bạn hãy dành thời gian mỗi tuần để tham gia ít nhất một khóa học tài chính cơ bản hoặc đọc một cuốn sách chuyên ngành. Kiến thức sẽ giúp bạn tự tin hơn khi đối mặt với các cơ hội và thách thức trong đầu tư.
Xác định mục tiêu tài chính dài hạn
Điều cuối cùng tôi muốn khuyên là hãy xác định rõ mục tiêu tài chính dài hạn. Thông thường, mọi người hay khuyên bạn thực hiện việc này đầu tiên, nhưng thực sự đây là một vấn đề khó với một sinh viên 20 tuổi. Chính vì thế, tôi đưa ra những lời khuyên cụ thể trước để bạn trải nghiệm và đúc rút kinh nghiệm, từ đó mới xác định các mục tiêu dài hạn cho tương lai. Đó có thể là việc đầu tư để mua nhà, mở doanh nghiệp hay tiếp tục học cao hơn.
Kế hoạch tài chính dài hạn sẽ giúp bạn dễ dàng hơn trong việc quản lý và phân bổ nguồn lực hiện tại để đạt những mục tiêu trong tương lai. Hãy dành thời gian viết ra các mục tiêu tài chính trong 5-10 năm tới và lên kế hoạch chi tiết cho từng mục tiêu. Điều này sẽ giúp bạn luôn đi đúng hướng và tránh được những quyết định đầu tư sai lầm.
Tóm lại, chiến lược đầu tư của bạn nên bắt đầu từ việc xây dựng quỹ dự phòng, sau đó đầu tư vào các sản phẩm tài chính an toàn, học hỏi thêm kiến thức và xây dựng kế hoạch tài chính dài hạn. Chúc bạn luôn thành công và đạt được những mục tiêu tài chính như mong muốn!
Trần Mạnh Hoàng Việt
Chuyên gia Hoạch định tài chính cá nhân
Công ty Tư vấn Đầu tư và Quản lý Tài sản FIDT