Mã cổ phiếu | Loại báo cáo | Ngành | Dữ liệu liên quan |
DGC | Báo cáo chi tiết | Sản phẩm hóa dầu, Nông dược & Hóa chất khác | Phospho vàng, điện, XNK than các loại |
LÝ DO TÍCH SẢN DGC
Ngành công nghiệp hóa chất là một trong những ngành ổn định nhất trong điều kiện nền kinh tế không ổn định. Người tiêu dùng sẽ không ngừng mua kem đánh răng, bột giặt hay tiêu thụ nông sản (phân bón đầu vào) trong thời kỳ suy thoái. Điều này có nghĩa là ngay cả khi thị trường gặp rủi ro suy thoái, tức những nhà đầu tư không muốn mạo hiểm cũng có thể kiếm tiền từ cổ phiếu của những gã khổng lồ hóa chất. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ chỉ ra những đặc điểm nổi bật của ngành hóa chất nói chung và tiềm năng tích sản Tập Đoàn Hóa chất Đức Giang (Hose: DGC) nói riêng nhờ: (1) Nhu cầu Phospho của thế giới tăng cao nhằm đáp ứng phát triển công nghệ và (2) tổ hợp Nghi Sơn là yếu tốt chính dẫn dắt DGC tăng trưởng thần kỳ trong dài hạn.
NGÀNH HÓA CHẤT VIỆT NAM VÀ VỊ THẾ TRONG NGÀNH PHOSPHO
Hiện nay, ngành hóa chất Việt Nam đang trong quá trình phát triển. Tổng thể ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam được chia thành các phân ngành chính, bao gồm: hóa dầu; hóa chất cơ bản (bao gồm cả hoá chất tiêu dùng hóa chất tinh khiết…); phân bón; sản phẩm cao su, sơn - mực in, khí công nghiệp; nguồn điện hóa học (pin, ắc quy); hóa chất bảo vệ thực vật; sản phẩm chất tẩy rửa và một số hóa chất khác.
Kinh tế Việt Nam hầu như phụ thuộc vào nền nông nghiệp và ngành hóa chất công nghiệp mới xuất hiện. Ngành hóa chất Việt Nam vẫn còn trong giai đoạn trứng nước khi chỉ sản xuất các loại hóa chất cơ bản. Hóa chất sử dụng cho ngành công nghiệp cũng chưa đáp ứng kịp nhu cầu nội địa và chỉ đủ dùng cho sản xuất thuốc trừ sâu và các loại sản phẩm cơ bản khác.
Phospho vàng (P4) là điểm sáng nhất giúp Việt Nam có được vị thế tương đối lớn trên thị trường xuất khẩu. Tổng giá trị xuất khẩu mặt hàng này của nước ta đạt 240 triệu USD với thị phần xuất khẩu 43% toàn cầu vào năm 2019. Nguồn khai thác phốt pho tại Việt Nam chủ yếu là quặng Apatite, duy nhất có ở khu vực tỉnh Lào Cai với đánh giá là lớn nhất khu vực Đông Nam Á với trữ lượng thăm dò và dự báo trên 2 tỷ tấn, trong đó trữ lượng đã thăm dò được xác định thời điểm 2008 ghi nhận 778 triệu tấn, 2012 là 701 triệu tấn và gần đây nhất năm 2022 là 500 triệu tấn.
Ngoài phân loại theo nồng độ Phospho trong quặng, nồng độ tạp chất là một tiêu chí quan trọng khác để xác định chất lượng của quặng apatite. Trong khi phân loại quặng quyết định hiệu suất sản xuất, thì tạp chất lại quyết định ứng dụng của các hóa chất tạo thành. Phân bón yêu cầu độ tinh khiết thấp hơn, trong khi các ứng dụng điện tử, công nghiệp và thực phẩm yêu cầu hóa chất tinh khiết hơn.
Theo DGC, quặng apatite có thể được sử dụng để sản xuất phospho vàng chỉ có mặt ở một vài quốc gia, bao gồm Trung Quốc, một số bang của Mỹ, Việt Nam và Kazakhstan. Quặng apatite của tỉnh Lào Cai chứa một lượng tương đối thấp các tạp chất như kim loại nặng và chất phóng xạ. Ví dụ, theo Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam, so với quặng Lào Cai, quặng apatite từ Covdor (Nga) chứa nhiều chất phóng xạ hơn 25% trong khi của Florida (Mỹ) chứa nhiều gấp 25 lần và Morocco 17,5 lần. Ngoài ra, theo DGC, nồng độ asen của quặng Lào Cai - một loại tạp chất quan trọng - chỉ bằng một nửa so với quặng apatite Kazakhstan.
Hóa chất là ngành nghề kinh doanh có rào cản gia nhập lớn. Do đặc thù của ngành hóa chất, các đối thủ mới bị rào cản lớn khi gia nhập ngành do:
- Thủ tục giấy phép khó khăn do rủi ro môi trường.
- Vốn đầu tư ban đầu lớn.
- Riêng đối với sản phẩm Phốt pho vàng, việc mở rộng/ xây dựng nhà máy khai thác tại Việt Nam gần như bất khả thi, do đó, các doanh nghiệp trong ngành không chịu sự cạnh tranh từ đối thủ bên ngoài.
HÓA CHẤT ĐỨC GIANG - VƯƠNG QUYỀN PHOSPHO
I. CHUỖI SẢN PHẨM CỦA DGC VÀ VỊ THẾ TRONG LÀNG PHOSPHO
Sau khi sáp nhập toàn bộ các công ty con lại vào thành Tập đoàn hóa chất Đức Giang hồi 2018, DGC gần như đã hoàn thiện toàn bộ chuỗi giá trị ngành phospho khép kín. Chuỗi sản xuất của DGC hiện tại đã có đầy đủ các loại sản phẩm từ phospho vàng (P4), Axit Phospho nhiệt HPO, trích ly WPA, các loại phân bón SSP, DSP, MAP và thức ăn chăn nuỗi DCP, cùng với chất tẩy rửa.
DGC chủ yếu sản xuất hóa chất Phospho, vốn được ứng dụng đa dạng trong nông nghiệp và công nghiệp. Chuỗi giá trị của DGC bắt đầu với nguyên liệu đầu vào chính là quặng apatite. Phospho vàng (P4) - một dẫn xuất của quặng apatite - có nhiều mục đích sử dụng cuối trong điện tử, thuốc diệt cỏ, nhựa và phụ gia chống cháy, cùng các sản phẩm khác:
- Phospho vàng (P4) đóng góp 39% vào doanh thu của DGC trong năm 2021.
- Đối với các sản phẩm phục vụ ngành nông nghiệp, acid phosphoric trích ly (WPA) đóng góp 11%.
- Trong khi đó, acid phosphoric nhiệt cấp thực phẩm (TPA cấp thực phẩm) - một dẫn xuất của phospho vàng - chiếm 18% doanh thu, acid này được sử dụng trong ngành công nghiệp mía đường, xử lý kim loại và thực phẩm & đồ uống.
- Các dẫn xuất của acid này và quặng apatite - chẳng hạn như phân bón và phụ gia TACN - chiếm phần lớn doanh thu còn lại của DGC (32%).
II. CƠ CẤU CỔ ĐÔNG VÀ SỰ CHUYÊN NGHIỆP CỦA BAN LÃNH ĐẠO
1. CƠ CẤU CỔ ĐÔNG
DGC trước đây là doanh nghiệp Nhà nước được tư nhân hóa. DGC hoạt động trong ngành hóa chất và chất tẩy rửa, thành lập năm 1963 tại Hà Nội. Ông Đào Hữu Huyền - Chủ tịch HĐQT hiện tại của DGC - từng làm việc tại DGC vào những năm 1980. Năm 2004, ông Đào Hữu Huyền và gia đình mua lại công ty từ Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam (Vinachem). DGC trở thành công ty đại chúng vào năm 2007, niêm yết trên sàn HNX vào năm 2014 và sang sàn HOSE vào tháng 7/2020.
Thời điểm quý 3/2022, ông Đào Hữu Huyền, Tổng Giám đốc ông Đào Hữu Duy Anh (con trai ông Đào Hữu Huyền) và các người liên quan sở hữu hơn 40% DGC.
DGC có khá nhiều sự thay đổi về tỷ lệ năm giữ từ 2020 đến nay, trong đó đáng chú ý nhất là sự kiện Vinachem thoái toàn bộ vốn khỏi tập đoàn từ tháng 3/2022.
2. SỰ CHUYÊN NGHIỆP CỦA ĐỘI NGŨ LÃNH ĐẠO
Ban lãnh đạo của DGC có bề dày kinh nghiệm trong ngành. Đầu tiên là chủ tịch Đào Hữu Huyền, ông có hơn 26 năm kinh nghiệm trong sản xuất hóa chất. Con trai chủ tịch, ông Đào Hữu Duy Anh cũng là người có trình độ cao, nắm trong tay học vị Thạc sĩ Hóa học thuộc Đại học Cambridge ông tham gia điều hành DGC năm 2012 với cương vị là tổng giám đốc.
Ngoài ra, DGC còn được dẫn dắt bở đội ngũ kỹ sư có trình độ cao, nổi bật nhất phải nhắc đến ông Đặng Tiến Đức – hiện là phó tổng tại Đức Giang Lao Cai và là giám đốc tại CTCP Phốt Pho Apatit Việt Nam, ông từng đạt huy chương vàng Olympic Hóa học quốc tế năm 2006 và là người đứng sau công nghệ sản xuất P4 từ bột quặng apatite độc quyền của DGC.
III. PHOSPHO VÀ NHỮNG GÌ ĐÁNG KỲ VỌNG
Phospho là thành phần cơ bản của mọi dạng sống và là tài nguyên hữu hạn không thể phục hồi. Nó cũng là nguyên tố không thể thiếu trong nông nghiệp vì thực vật không thể sinh trưởng hoặc ra lá non nếu trong đất trồng thiếu phospho. Đây là tài nguyên tự nhiên không thể tổng hợp bằng phương pháp nhân tạo, không thể thay thế và là tài nguyên hữu hạn không thể phục hồi.
Bên cạnh ứng dụng trong nông nghiệp và chăn nuôi, các sản phẩm của phospho cũng được sử dụng rộng rãi trong công nghiệp điện tử hiện đại như bán dẫn, màn hình LCD và pin sạc (Pin Lithium iron phosphate).
1. ĐỨC GIANG LÀO CAI LÀ TRUNG TÂM PHOSPHO CỦA DGC
Công ty TNHH Đức Giang Lào Cai, một công ty con mà DGC sở hữu 100% cổ phần, có trụ sở chính tại khu vực nông thôn của tỉnh Lào Cai, miền Bắc, hợp nhất hầu hết công suất phospho của DGC. Mỗi năm Công ty TNHH một thành viên Apatit Việt Nam khai thác, tuyển khoáng khoảng 8 - 10 triệu tấn quặng.
Về công suất P4, Tập đoàn Đức Giang đang là doanh nghiệp có công suất lớn nhất với hơn 46% thị phần, tương đương 84,000 tấn/năm. Vị thế này cách xa so với doanh nghiệp lớn thứ hai là 20,000 tấn/năm. Với thị phần lớn và sản phẩm chất lượng cao (nồng độ lưu huỳnh thấp, độ tinh khiết cao), sản phẩm của DGC được xuất khẩu tới các thị trường khó tính (Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan).
2. TRONG NGẮN HẠN, VIỆC TRUNG QUỐC TIẾP TỤC HẠN CHẾ SẢN XUẤT VÀ XUẤT KHẨU PHOSPHO SẼ MANG LẠI NHIỀU LỢI ÍCH CHO DGC
Theo đó, ngày 26/09 tỉnh Vân Nam của Trung Quốc - chiếm 40% công suất phospho của Trung Quốc, đã ban hành "Kế hoạch quản lý hiệu quả năng lượng cho các ngành công nghiệp tiêu thụ năng lượng từ tháng 9/2022 đến tháng 5/2023." Kế hoạch này được đề ra trong bối cảnh tỉnh đang tiếp tục thiếu hụt thủy điện do đợt nắng nóng lịch sử gần đây và đầu mùa khô vào cuối tháng 9. Phospho vốn là sản phẩm tiêu thụ nhiều điện năng, do đó sản lượng hàng ngày của tỉnh này đã giảm 40% trong cuối tháng 9/2022. Qua đó chúng tôi kỳ vọng giá P4 của DGC vẫn ở mức cao và sản lượng bán tiếp tục duy trì so với giai đoạn trước.
3. LỐI ĐI SÁNG NHẤT CỦA NỀN CÔNG NGHIỆP SẢN XUẤT PHOSPHO
Tương lai được đảm bảo nhờ triển vọng tươi sáng xe điện. Ngành công nghiệp xe điện đang trở nên hot trend hơn bao giờ hết với trị giá thị trường ước tính hàng trăm tỷ đô la và là tương lai của ngành xe hơi nói chung khiến cho hàng loạt các tay chơi truyền thống đều muốn tham gia. Tiềm năng của ngành này rõ ràng là không phải bàn cãi và với chúng ta, thật khó để biết ai sẽ là người chiến thắng cuối cùng, nhưng có một điều chắc chắn ràng những hãng cung cấp pin cho các loại xe điện này sẽ là những tay chơi được hưởng lợi hơn cả. Hiện tại, P4 ngày càng tham gia sâu vào chuỗi giá trị này với sản phẩm HPO điện tử, vốn là đầu vào quan trọng đối với ngàng sản xuất chất bán dẫn (Semicondutor) và công nghệ pin mới có nhiều triển vọng là LiFePO4 (Lithium iron phosphate, LFP) đang được các hãng xe điện chọn mặt gửi vàng với hàng loạt tính ưu việt của nó, đây là loại pin được đánh giá an toàn hơn (ít gây cháy nổ, chạm mạch), mật độ năng lượng cao và vòng đời pin cao hơn các loại PIN từ Lithium-ion như LiCoO2 hay LiMn2O4.
Công ty tư vấn Wood Mackenzie dự báo sản lượng pin LFP toàn cầu có thể tăng gấp 5 lần lên 750,000 tấn vào năm 2030 đến từ ngành sản xuất pin xe điện, ước tính cần 150,000 tấn P4. Trong khi đó, Trung Quốc lại liên tục cắt giảm sản lượng do thiếu hụt điện cũng như do các cam kết bảo vệ môi trường, cũng như CẤM xuất khẩu loại mặt hàng này để ổn định thị trường nội địa.
Hóa chất Đức Giang sở hữu điểm đặc biệt mà ít đối thủ nào trong ngành có được ở Việt Nam và kể cả trên toàn thế giới đó là “mỏ Apatite chất lượng”, sản phẩm P4 từ quặng Apatite mà DGC khai thác được có chất lượng rất cao có thể ứng dụng phần lớn trong quy trình sản xuất chip và pin LiFePO4.
Nhu cầu sản xuất chip 5G tỷ lệ thuận với sản lượng Phospho. Trong lĩnh vực sản xuất chất bán dẫn (silicon), silicon tinh khiết gần với đặc tính cách điện và chỉ cho dòng điện nhỏ đi qua. Vì vậy, một lượng Phospho được “pha tạp” (dope) với silicon để tăng khả năng dẫn điện của chất bán dẫn (nhờ có một electron thứ 5 di chuyển tự do ở vòng ngoài), tạo thành chất bán dẫn loại n (n – type).
Hiện nay, sản lượng sản xuất chất bán dẫn (chip) dành cho các thiết bị 5G được dự báo tiếp tục tăng mạnh để thay thế cho các thiết bị 3G và 4G, trong đó thiết bị 5G cần nhiều hơn 30 - 40% số lượng chip so với thiết bị 4G. Các quốc gia lớn như Nhật Bản và Hàn Quốc trong thời gian qua đã đẩy mạnh nhập khẩu phospho từ Việt Nam và sẽ tiếp tục gia tăng nhập khẩu để nâng cao công suất sản xuất các thiết bị này… Do đó, sản lượng sản xuất chất bán dẫn (chip) tỷ lệ thuận với sản lượng sử dụng Phospho.
Các mạng 5G thương mại hiện đang hoạt động ở mọi khu vực trên thế giới, 5G đã thực sự trở thành công nghệ toàn cầu và đây là một trong những lý do khiến cơn khát chất bán dẫn trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết, do đó nhưng việc triển khai đang diễn ra ở các tốc độ khác nhau.
Phân tích của GlobalData dự đoán rằng vào năm 2025, châu Âu có thể vượt qua châu Á Thái Bình Dương trở thành khu vực thứ hai trên thế giới về tỷ lệ thâm nhập 5G với tỷ lệ phần trăm dân số là 50%, trong đó Bắc Mỹ dẫn đầu là 86%.
IV. SỨC MẠNH CỦA VIỆC KIỂM SOÁT ĐẦU VÀO
DGC là đơn bị có khả năng kiểm soát đầu vào khá tối ưu, những nguyên vật liệu đầu vào của doanh nghiệp đều có hiệu quả sử dụng tốt và giá thành rẻ hơn hầu hết các đối thủ cùng ngành nhờ công nghệ độc quyền của chính doanh nghiệp.
1. QUẶNG APATITE LÀ THÀNH PHẦN CÓ CHI PHÍ CAO NHẤT
Quặng apatite là thành phần có chi phí cao nhất. Sản xuất hóa chất phospho và phân bón bắt đầu từ quặng apatite, chiếm hơn 20% giá vốn hàng bán của DGC hàng năm. DGC thường tiêu thụ 1,2 triệu tấn quặng apatite (tương đương loại I) mỗi năm với chi phí trung bình 1,0 triệu đồng/tấn, theo ban lãnh đạo. DGC thu mua quặng apatite từ cả các công ty khai thác tư nhân và Nhà nước - khối lượng thu mua từ các công ty khai thác tư nhân lớn hơn vì có giá thành thấp hơn.
Công nghệ của DGC cho phép công ty sử dụng quặng apatite giá rẻ. Trong sản xuất P4, DGC có thể sử dụng 100% quặng apatite bột, rẻ hơn 30% so với quặng apatite thông thường, nhờ công nghệ độc quyền của DGC mà các đối thủ Việt Nam, Kazakhstan hay Trung Quốc chưa từng làm. DGC cũng có khả năng xử lý loại quặng apatite cấp thấp hơn so với các đối thủ cạnh tranh trong nước. Nhờ những lợi thế này, trong khi giá quặng apatite đầu vào có thể lên tới 1.7 triệu đồng/tấn, giá quặng apatite đầu vào trung bình hiện tại của DGC chỉ khoảng 1,0 triệu đồng/tấn, theo ban lãnh đạo.
DGC còn tiết kiệm được nhiều hơn từ khi Khai Trường 25 đi vào khai thác. DGC tiêu thụ khoảng 1.2 triệu tấn quặng apatite tương đương loại I mỗi năm. Khai trường 25 có thể cung ứng khoảng 30% nhu cầu quặng apatite hàng năm của DGC trong khoảng thời gian 5 năm bắt đầu từ tháng 3 năm 2021. Trữ lượng được khảo sát của khai trường này lên đến 1.6 triệu tấn quặng apatite tương đương loại l, trong đó quặng loại I lên tới 505,000 tấn và 3.3 triệu tấn quặng loại III (cụ thể, khoảng 3 tấn quặng loại III tương đương với 1 tấn quặng loại I). Theo DGC, việc khai thác tại các mỏ của công ty có thể tiết kiệm tới 20%-30% chi phí so với tìm nguồn cung bên ngoài.
Ngoài ra, DGC còn sở hữu “mỏ quặng apatite thứ hai”, đây là dự án chưa có thông tin về trữ lượng và dự kiến công suất khai thác, theo thông tin của chúng tôi mỏ sẽ đi vào hoạt động vào quý 1/2023 cũng giúp DGC tiết kiệm thêm chi phí.
2. TIÊU THỤ ĐIỆN NĂNG LỚN TRONG QUÁ TRÌNH SẢN SUẤT PHOSPHO
Công nghệ cấp nhiệt phổ biến nhất để chiết xuất P4 là lò điện, tiêu thụ khoảng 13,000 kWh-15,000 kWh mỗi tấn P4. Bên cạnh lợi thế về các mỏ quặng có độ tinh khiết cao, DGC còn hưởng lợi từ giá điện rẻ của Việt Nam.
Kazakhstan có lợi thế giá điện thấp hơn Việt Nam và thị phần xuất khẩu phospho cũng khá lớn so với phần còn lại của thế giới tuy nhiên ngoài quặng apatite không tinh khiết như đã phân tích trong phần trước, quốc gia này cũng có tệp khách hàng xuất khẩu rất khác so với Việt Nam. Nếu như khách hàng xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu là Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan thì Kazakhstan tập trung vào thị trường EU. Bên cạnh đó, theo VCSC, Việt Nam và Kazakhstan chia đôi các thị trường lớn khác là Mỹ và Ấn Độ, sự phân chia thị trường theo địa lý này được quyết định bởi (1) khoản cách giữa nhà xuất khẩu và khách hàng và (2) sự ưu tiên khác nhau về chất lượng và giá thành sản phẩm ở các thị trường khác nhau.
3. THAN CỐC LÀ NGUYÊN LIỆU THÔ QUAN TRỌNG KHÔNG KÉM
Năm 2020, DGC đã bắt đầu triển khai công nghệ riêng giúp tận dụng bột than cốc, cắt giảm thêm 20% chi phí trung bình của mỗi đơn vị than cốc. Axit sunfuric là một thành phần có chi phí cao khác trong các sản phẩm nông nghiệp. DGC lấy nguồn lưu huỳnh từ bên ngoài để sản xuất phần lớn axit sunfuric của riêng công ty, sau đó được trộn với quặng apatite để tạo ra các sản phẩm như phân supe lân và WPA. Các sản phẩm này là hóa chất đầu vào cho các sản phẩm phân bón và phụ gia TACN khác.
V. DỰ ÁN NGHI SƠN (CAV) ĐƯA DGC LÊN TẦM CAO MỚI
Dự án CAV sắp tới - nhắm vào phân khúc chưa phát triển trong nước - được coi là yếu tố dẫn dắt tăng trưởng chính trong dài hạn của DGC. Xút là sản phẩm chính của dự án này, đây là hóa chất cơ bản được sử dụng trong nhiều ngành công nghiệp như giấy, dệt may và luyện kim. Công suất xút trong nước của Việt Nam chỉ đáp ứng khoảng 45% lượng tiêu thụ trong nước do các rào cản kỹ thuật cũng như các lo ngại về môi trường của Chính phủ. DGC đã nhận được các phê duyệt cần thiết và có kế hoạch xây dựng khu phức hợp xút trong giai đoạn 2021-2026 tại Khu kinh tế Nghi Sơn, địa điểm gần các khách hàng tiềm năng lớn, các mỏ đá vôi đầu vào và cảng biển nước sâu. Dự án này cũng sẽ sản xuất các sản phẩm mà trước đây chưa một công ty Việt Nam nào cung cấp.
Công ty ước tính khởi công xây dựng từ Q4/2022 và hoạt động ổn định từ 2025. FIDT ước tính dự án sẽ mang về 8,236 tỷ đồng doanh thu và lợi nhuận ròng hàng năm là 1,537 tỷ đồng khi chạy hết công suất thiết kế. DGC dự kiến trở thành nhà sản xuất xút lớn nhất và là nhà sản xuất VCM (đầu vào cho nhựa PVC) đầu tiên tại Việt Nam với công suất đạt 150,000 tấn cho từng sản phẩm. Theo Trung tâm Thương mại Quốc tế, Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt cả 2 sản phẩm trên khi phải nhập khẩu khoảng 850,000 tấn PVC và VCM cũng như 270,000 tấn xút vào năm 2020.
Xút là một hóa chất cơ bản của sản xuất công nghiệp với các ứng dụng đa dạng trong nhiều ngành công nghiệp như sản xuất nhôm, bột giấy và giấy, dệt may, chất tẩy rửa. Xút cũng được sử dụng trong xử lý nước đầu vào/nước uống cũng như nước thải.
Thành phần đầu vào muối công nghiệp (NaCl) có thành phần hóa học tương tự như muối ăn hàng ngày nhưng chứa ít tạp chất và đậm đặc hơn. Khoáng chất này có thể được điện phân thành xút (NaOH) và clo (Cl2), là hai hóa chất cơ bản. DGC có kế hoạch nhập khẩu muối công nghiệp từ Ấn Độ và dự kiến lượng nguyên liệu đầu vào này (bao gồm thuế nhập khẩu) sẽ chiếm tối đa 20% giá vốn nguyên bật liệu của dự án.
Hiện nay tại Việt Nam, có một số nhà sản xuất xút với công suất thiết kế còn khá hạn chế so với nhu cầu trong nước, phần lớn sản lượng của Vedan được sử dụng nội bộ. Còn lại gồm có HVT và CSV thuộc Vinachem, cả 2 đã hoạt động hết công suất từ lâu, ngoài ra kế hoạch mở rộng cũng bị hạn chế do nhu cầu cổ tức tiền mặt của Vinachem lớn và những quy trình phê duyệt phức tạp. Theo đó, nếu dự án được đưa vào hoạt động, DGC sẽ trở nhành nhà sản xuất xút lớn nhất cả nước.
VI. BẤT ĐỘNG SẢN VÀ MỎ BÔ-XÍT
1. BẤT ĐỘNG SẢN BÊN KIA SÔNG ĐUỐNG
Dự án Đức Giang Residence tổng mức đầu tư: 2,000 tỷ đồng Tổng diện tích xây dựng: 54,312 m2, bao gồm 51 căn liền kề và 3 tòa nhà ở cao tầng. Dự án này nằm trên trụ sở cũ của DGC nhiều năm trước đây, nay đã trở thành kho bãi và cho thuê. FIDT cho rằng việc triển khai dự án BĐS này sẽ mất nhiều thời gian, tuy vậy, giá bán cũng sẽ tăng theo thời gian. Đây là lô đất của nhà trồng được, cơm không ăn gạo vẫn còn đó, chúng tôi thấy triển khai từng phần và chuẩn chỉ, chứ cũng không cần gấp gáp.
2. ĐẦU TƯ LỚN VÀO MỎ NHÔM Ở TƯƠNG LAI XA HƠN
DGC đang xin cấp phép để triển khai dự án khai thác quặng bô xít, chế biến bô xít thành alumin (giai đoạn 1 và giai đoạn 2 trong 2025-2026) và chế biến alumin thành nhôm (giai đoạn 3) tại tỉnh Đắk Nông. Tổng vốn đầu tư 57,000 tỉ đồng, gồm một mỏ khai thác quặng bô xít và 3 nhà máy tuyển quặng - là dự án lớn nhất của DGC tính đến thời điểm hiện tại. Chủ tịch DGC ông Đào Hữu Huyên cho biết, dự án Khu liên hợp Nhôm - Đắk Nông có quy mô khai thác khoảng 14.4 triệu tấn quặng bô xít/năm và 3 nhà máy tuyển quặng công suất 5.8 triệu tấn quặng tinh/năm. Đây sẽ là dự án đóng góp tăng trưởng chính cho DGC trong dài hạn trong bối cảnh Trung Quốc liên tục cắt giảm những sản phẩm từ nhôm do vấn đề ô nhiễm môi trường.
Theo Giám đốc Điều hành của Đức Giang, với giá alumin hiện tại, giai đoạn đầu của dự án có thể mang lại doanh thu tương đương với hoạt động kinh doanh photpho hiện tại của là 10,000 tỷ đồng. Xút của DGC có thể phục vụ các nhà máy alumin nhưng chỉ mang lại lợi thế chi phí nhỏ cho DGC.
Hiện nay, ngoài DGC cũng có một số doanh nghiệp đang xin cấp phép để khai thác boxit, trong đó phải kể đến cái tên lớn trong ngành vật liệu xây dựng là Tập đoàn Hòa Phát (HPG – báo cáo phân tích chi tiết tại đây).
PHÂN TÍCH TÀI CHÍNH, DỰ PHÓNG VÀ ĐỊNH GIÁ
I. PHÂN TÍCH TÀI CHÍNH
Lợi nhuận DGC đang có xu hướng đi lên, đặc biệt là trong năm 2021 tăng trưởng đột biến nhờ vào sự bùng nổ của giá P4 cùng với sự tăng lên từ các mảng Acid Phosphoric thực phẩm - 85% và Phân bón DAP. Riêng trong 9T/2022, lợi nhuận đã vượt mạnh năm 2021 với lợi nhuận sau thuế đạt 4,916,7 tỷ đồng và biên lợi nhuận ròng lên đến 43.4% chứng tỏ khả năng hoạt động rất tốt của DGC. Cơ cấu các mảng trong doanh thu tăng trưởng mạnh và đồng đều, đặt biệt là nhóm sản Phân bón và Acid cho thấy hiệu quả từ việc DGC đã dần hoàn thiện được toàn bộ chuỗi giá trị đầu cuối của Phospho.
DGC đang có dòng tiền mạnh cùng với tình hình nợ vay được kiểm soát tốt. Tiền, TĐT và đầu tư ngắn hạn tăng mạnh từ 2017 đến nay, trong đó 9T/2022 đạt 7,447.9 tỷ đồng chủ yếu đến từ các khoản tiền gửi có kỳ hạn 3-12 tháng ở mức 7,382.8 tỷ đồng tại các ngân hàng thương mại. Bên cạnh đó, tỷ lệ nợ vay trên vốn chủ sở hữu của DGC giảm dần từ 36% ở năm 2018 xuống còn chỉ còn 8% trong 9T/2022 do phần nợ vay của DGC ổn định quanh mức 700-1,150 tỷ nhưng vốn chủ sở hữu của công ty luôn tăng mạnh. Ngoài ra DGC cũng đảm bảo tốt tình hình vay nợ của mình khi toàn bộ khoản nợ vay chỉ đến từ vay ngắn hạn, hạn chế rủi ro khi không sử dụng các khoản vay dài hạn trong nhiều năm nay.
Từ sau sáp nhập năm 2018 đến nay, DGC đều đặn chi trả cổ tức bằng tiền mặt. Năm 2021 với lợi nhuận sau thuế tăng mạnh lên đến 2,513.8 tỷ đồng, DGC chi trả 1000 đồng/cổ phiếu giảm nhẹ so với các năm trước nhưng tăng phần cổ tức cổ phiếu lên tỷ lệ 100:117.
II. DỰ PHÓNG VÀ ĐỊNH GIÁ
Năm 2022, chúng tôi ước tính doanh thu và lợi nhuận của DGC có thể đạt mức kỷ lục từ khi niêm yết đến nay do nhu cầu nhập khẩu phospho của thế giới ngày càng cao từ khi Trung Quốc ngưng hạn chế xuất khẩu loại mặt hàng này vì lí do an ninh lương thực. Theo đó, doanh thu năm 2022 có thể đạt mức 15,610 tỷ, tăng 63.43% so với năm 2021 và lợi nhuận sau thuế công ty mẹ đạt 6,260 tỷ đồng tăng đến 162% so với 2021. Mức dự phóng này được ước tính dựa trên nền giá phospho tiếp tục duy trì ở vùng cao với hơn 140 triệu VNĐ/tấn. Biên lợi nhuận được ghi nhận ở mức cao 49% do công ty áp dụng những công nghệ mới nhằm kiểm soát đầu vào như đã phân tích.
Doanh thu và lợi nhuận năm 2023 được chúng tôi dự phóng giảm đi đáng kể so với 2022 do những lo ngại về nền giá phospho thế giới giảm cũng như chiết khấu đi rủi ro Trung Quốc mở cửa xuất khẩu trở lại sau nhiều năm giảm sản lượng, dự phóng giá phospho có thểduy trì ở mức trên 100 triệu VNĐ/tấn. Tuy vậy, kết quả kinh doanh của công ty vẫn sẽ duy trì ở nền cao với doanh thu đạt 12,200 tỷ đồng, giảm 21.84% so với cùng kỳ và tăng 27.73% so với nền cao năm 2021, tương ứng lợi nhuận sau thuế đạt 4,649 tỷ, giảm 25.73% và tăng 94.68% lần lượt so với 2022 và 2021.
Từ 2023 trở đi, DGC sẽ có mức tăng trưởng ổn định hơn qua hàng năm do nhu cầu sử dựng phospho ứng dụng cho công nghệp pin xe điện cũng như các thiết bị 5G vốn cần sử dụng nhiều chất bán dẫn mà phospho là đầu vào, kèm với đó 2 mỏ apatite mới đi vào hoạt động sẽ bổ sung nguồn cung đáng kể cho hoạt động sản xuất của DGC.
Đối với DGC, chúng tôi sử dụng phương pháp P/E để định giá cổ phiếu dựa trên kỳ vọng cổ phiếu sẽ ít đi tính chu kỳ do có được tệp khách hàng ổn định và chuỗi cung ứng có độ hoàn thiện cao, tham chiếu trong quá khứ chúng tôi sử dụng mức trung bình giai đoạn 2018 – nay để định giá ở mức 9.33 lần. Năm 2022, chúng tôi sử dụng mức P/E 6 lần nhằm kỳ vọng DGC vừa phản ánh đỉnh lợi nhuận vừa phù hợp với bối cảnh kinh tế suy thoái trên toàn cầu và nền lãi suất cao tại Việt Nam.
Vùng giá tích sản tích sản phù hợp đối với DGC ở P/E fw năm 2023 4.5 lần, tương đương với giá 55.089 VNĐ/CP.
Cập nhật giá tích sản ngày 11/11/2022: Giá bán P4 thế giới giảm so với vùng đỉnh do cầu suy yếu cùng với rủi ro suy thoái kinh tế. Tuy nhiên chúng tôi điều chỉnh giá tích sản tối đa lên 65,000 VNĐ/CP với nhận định những thông tin tiêu cực đã phản ánh vào vùng định giá hiện tại, với giá 65,000 P/E fw 2023 quanh 5.3 lần là mức giá hợp lý để tích sản cho dài hạn.
Về độ nhạy định giá mục tiêu 2026, chúng tôi sử dụng tham chiếu giữ P4 và P/E để kiểm tra mức độ định giá theo từng trường hợp khác nhau. Theo đó thường hợp xấu nhất DGC có thể đạt được là 111,300 VNĐ/CP và tốt nhất là 235,900 VNĐ/CP.
III. CẬP NHẬT ĐỊNH GIÁ NGÀY 15/11/2022
Gần đây, phía ban lãnh đạo DGC đã cập nhật một số thông tin quan trọng về dự án Nghi Sơn cũng như những dự định mới của tập đoàn. Theo đó, dự án tổ hợp hoá chất CAV tại Nghi Sơn và dự định về đầu tư mảng Bôxit đã được FIDT cập nhật chi tiết trên website.
- Tình hình kinh doanh sản phẩn quan trọng nhất, DGC dự kiến sẽ giảm sản lượng xuất khẩu P4 từ cuối năm nay và trong 2023 tuy nhiên giá bán của doanh nghiệp sẽ không giảm mạnh mà neo ở mức 4,500 - 6,000 USD/tấn (giảm 10 - 30% so với 2022). Việc giảm sản lượng này được ban lãnh đạo DGC chia sẻ chủ yếu do lo ngại trong bối cảnh suy thoái kinh tế, nhiều nhà sản xuất chip và chất bán dẫn từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ giảm hàng tồn kho và cắt giảm sản xuất.
- Ngược lại, công ty sẽ đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu LCD (acid phosphoric cấp điện tử) sang thị trường Đài Loan và Hàn Quốc trong năm 2023 bù đắp cho lượng xuất khẩu P4 giảm. Như đã đề cập trong báo cáo cập nhật, LCD sẽ có biên lãi gộp cao hơn cả P4 và không tốn thêm nhiều chi phí đầu tư. Đài Loan, Hàn Quốc không mua grade thực phẩm chỉ mua LCD do có thể dùng LCD thay cho thực phẩm luôn.
Dựa trên cập nhật được công bố, FIDT điều chỉnh dự phóng KQKD và định giá DGC trong năm 2022 và giữ nguyên cho 2023 do đã chiết khấu sẵn ở thời điểm viết báo cáo phân tích chi tiết.
Theo đó, FIDT ước tính doanh thu và LNST công ty mẹ quý 4 tăng trưởng lần lượt 3% và 8% so với cùng kỳ. Tích cực hơn kế hoạch 3,299 và 1,100 tỷ của BLĐ DGC. RS FIDT điều chỉnh định giá DGC cho năm 2022 về mức 93,800 VNĐ/CP (giảm 5.4% so với dự phóng định giá cũ), thay đổi định giá này không ảnh hưởng đến giá tích sản.
RỦI RO ĐẦU TƯ
- Giá các sản phẩm gốc phospho có thể đối mặt với áp lực điều chỉnh khi Trung Quốc đột ngột xuất khẩu P4 trở lại trong tương lai.
- Dự án Nghi Sơn (CAV) triển khai lâu hơn dự kiến, ảnh hưởng đến tốc động tăng trưởng doanh của của DGC.
- Chính phủ thay đổi chính sách môi trường, theo đó có thể hạn chế công suất khai thác của tập đoàn.
- Ngành sản xuất hóa chất thường xuyên liên quan đến vấn đề môi trường và sức khỏe, hơn nữa khả năng chập cháy luôn hiện hữu là rủi ro lớn đối với các doanh nghiệp.
LƯU Ý NHÀ ĐẦU TƯ
Quý khách nên đọc kỹ các rủi ro mà chúng tôi dự phòng và đề cập trong báo cáo, cũng như nhận diện được rủi ro thị trường để có lựa chọn đầu tư hiệu quả.
(*) Báo cáo này là tài sản và được giữ bản quyền bởi FIDT. Không được phép sao chép, phát hành cũng như tái phân phối báo cáo vì bất kỳ mục đích gì nếu không có văn bản chấp thuận của FIDT. Vui lòng ghi rõ nguồn khi trích dẫn nếu sử dụng các thông tin trong báo cáo này. Chúng tôi xin chân thành cảm ơn quý khách hàng!
FIDT - Focus On Performance