Tin tức
Tín dụng - Ngân hàng
Cho phép ngân hàng mua trái phiếu doanh nghiệp: Mở nhưng chặt
Cho phép ngân hàng mua trái phiếu doanh nghiệp: Mở nhưng chặt
datasource-prd
Họ và tên: Founder FIDT Huỳnh Minh TuấnLĩnh vực: Phân tích đầu tưCập nhật: 26-04-2023
Các tổ chức tín dụng được phép mua lại trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán hoặc chưa đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch UpCOM từ 24/4 đến hết năm nay.
Hướng dẫn chi tiết thủ tục thành lập công ty môi giới BĐS

 

 

Trái phiếu doanh nghiệp với khối lượng đáo hạn ước khoảng 158.000 tỷ đồng sẽ được hỗ trợ giảm bớt áp lực với Thông tư 03. Tuy nhiên, khu vực doanh nghiệp bất động sản không hoàn toàn đạt kỳ vọng qua các quyết định chặt chẽ tại Thông tư

 

Thông tư 03/2023/TT-NHNN ngày 23/4/2023 vừa được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) ban hành ngày 23/4. Thông tư quy định ngưng hiệu lực thi hành khoản 11 Điều 4 Thông tư số 16/2021/TT-NHNN ngày 10/11/2021 quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán trái phiếu doanh nghiệp.

 

Theo đó, ngưng hiệu lực thi hành từ ngày 24/4/2023 đến hết ngày 31/12/2023 đối với quy định tại khoản 11 Điều 4 Thông tư số 16/2021/TT-NHNN. 

 

Trong thời gian ngưng hiệu lực thi hành khoản 11 Điều 4 Thông tư số 16/2021/TT-NHNN theo quy định tại điều này, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (gọi chung là tổ chức tín dụng) được mua lại trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán hoặc chưa đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch Upcom (trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết) mà tổ chức tín dụng đã bán và/hoặc trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết được phát hành cùng lô/cùng đợt phát hành với trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết mà tổ chức tín dụng đã bán khi: đáp ứng các quy định tại Điều 4 Thông tư số 16/2021/TT-NHNN; bên mua trái phiếu doanh nghiệp này từ tổ chức tín dụng thanh toán toàn bộ số tiền mua trái phiếu doanh nghiệp tại thời điểm tổ chức tín dụng ký kết hợp đồng bán trái phiếu doanh nghiệp cho bên mua trái phiếu; doanh nghiệp phát hành trái phiếu được xếp hạng ở mức cao nhất theo quy định xếp hạng tín dụng nội bộ của tổ chức tín dụng tại thời điểm gần nhất trước khi tổ chức tín dụng mua trái phiếu doanh nghiệp.

 

Cùng với Thông tư 03, NHNN cũng vừa ban hành ngày 23/4 Thông tư số 02/2023/TT-NHNN (Thông tư 02), quy định về việc tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và khách hàng gặp khó khăn trả nợ vay phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng. Đây là 2 Thông tư được mong đợi nhất, có ý nghĩa quan trọng đối với kỳ vọng tháo gỡ những khó khăn chung. Các Thông tư sẽ hỗ trợ người dân và doanh nghiệp khi có các khoản nợ cơ cấu lại và được tháo gỡ ách tắc dòng tiền trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), qua đó góp phần hỗ trợ phục hồi, tiếp tục duy trì sản xuất kinh doanh, đầu tư, tiêu dùng, qua đó hỗ trợ phục hồi, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2023 và tiếp theo trong bối cảnh quốc tế và trong nước còn nhiều biến động, khó khăn.

 

Ông Huỳnh Minh Tuấn, Fouder, Giám đốc CTCP Tư vấn Đầu tư FIDT

 

Ông Huỳnh Minh Tuấn, Founder, Giám đốc CTCP Tư vấn Đầu tư FIDT

 

Tuy nhiên, nói riêng về Thông tư 03, tóm tắt lại một số các quy định cụ thể rất cần lưu ý là:

 

Tổ chức tín dụng (TCTD) chỉ được mua lại trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) chưa niêm yết đã bán (tính cả TPDN phát hành cùng lô, cùng đợt) khi:

 

- Thứ nhất: Đáp ứng các quy định tại Điều 4 Thông tư 16/2021/TT-NHNN (Quy định về Nguyên tắc mua, bán TPDN)

 

- Thứ hai: Bên mua TPDN từ tổ chức tín dụng (bên sở hữu TPDN mua từ ngân hàng) thanh toán toàn bộ số tiền mua tại thời điểm ký kết hợp đồng bán...

 

- Thứ ba: Doanh nghiệp phát hành trái phiếu được xếp hạng ở mức cao nhất theo quy định xếp hạng tín dụng nội bộ của TCTD tại thời điểm gần nhất trước khi TCTD mua TPDN.

 

Phân tích kỹ, chúng tôi nhận thấy Thông tư chỉ có ảnh hưởng đến TPDN mà ngân hàng đã nắm giữ trước đó, sau đó đã bán ra thị trường và hiện tại có nhu cầu mua.

 

Và với điều kiện trên như quy định thì các ngân hàng cũng không dễ dàng mua lại TPDN vì: TPDN được mua lại vẫn phải đáp ứng các tiêu chí rất chặt chẽ theo Điều 4 của Thông tư 16; Giao dịch bán trước đó phải là giao dịch thanh toán tiền thật; Xếp hạng tín dụng nội bộ mức cao nhất (Tổ chức phát hành) là rất khó, vì doanh nghiệp được xếp hạng mức này thường có tình hình tài chính mạnh và áp dụng điều này sẽ rất nhiều tổ chức phát hành không đáp ứng.

 

Nói tóm lại, các điều kiện này sẽ hạn chế rất lớn số lượng TPDN mà ngân hàng có thể mua lại.

 

Nếu xét về kỳ vọng của thị trường thì thị trường và nhóm doanh nghiệp bất động sản (BĐS) kỳ vọng nhiều vào sửa đổi Đểm a Khoản 8 Điều 4 của Thông tư 16 quy định TCTD không được mua TPDN có mục đích cơ cấu lại nợ. Việc góp ý bỏ Điểm này được Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) góp ý nhiều lần nhưng NHNN đã không xem xét tới trong Thông tư 03 này.

 

Nhắc lại về Thông tư 16/ 2021/TT-NHNN, đây là Thông tư được NHNN ban hành tháng 11/2021 quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua bán trái phiếu doanh nghiệp (gọi chung là ngân hàng). Trong đó, một trong những nội dung quan trọng là quy định tại khoản 11, Điều 4, nêu rõ trong vòng 12 tháng sau khi bán trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết, ngân hàng không được mua lại số trái phiếu đã bán. Sau 12 tháng kể từ khi bán, ngân hàng cũng chỉ được mua trái phiếu doanh nghiệp đã bán với một số điều kiện nhất định. Sau khi NHNN ban hành Thông tư 16, nhiều nhà đầu tư và cả ngân hàng cho rằng, quy định này đã “trói chân” các ngân hàng khi tham gia mua bán trái phiếu doanh nghiệp, làm mất vai trò của ngân hàng đối với thị trường trái phiếu bởi ngân hàng là một tổ chức tài chính lớn, có ảnh hưởng với thị trường trái phiếu doanh nghiệp cả ở góc độ nhà đầu tư, cả góc độ tổ chức tài chính trung gian, lẫn vai trò là nhà phát hành trái phiếu. Quy định này hiện đã được tạm thời ngưng hiệu lực như tại Thông tư 03.

 

Được biết, NHNN hiện cũng đang lấy ý kiến sửa đổi Thông tư số 16/2021/TT-NHNN. Giới tài chính kỳ vọng các quy định sửa đổi sẽ thực sự tháo gỡ những rào chắn để thị trường vốn sớm sôi động trở lại, tái tạo dòng tiền cho doanh nghiệp vượt khó khăn, phục hồi sớm trong sản xuất kinh doanh hiện nay và thời gian tới.

 

 


 
Chia sẻ bài viết
Bài viết có nội dung liên quan