Tin tức
Tài chính Doanh nghiệp
Khó có cơ hội đột phá cho trái chủ ngân hàng
Khó có cơ hội đột phá cho trái chủ ngân hàng
datasource-prd
Họ và tên: Giám đốc RS FIDT. Huỳnh Hoàng PhươngLĩnh vực: Phân tích đầu tư, Tài chính ngân hàngCập nhật: 29-03-2023
Với Dự thảo sửa đổi Thông tư 16/2021, chúng tôi cho rằng khó có sự đột phá cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) với trái chủ là ngân hàng.

 

Dự thảo sửa đổi Thông tư 16 mới được lấy ý kiến là bản dự thảo đầu tiên. Thị trường đang chờ đợi sau góp ý sẽ có các chỉnh sửa? (ảnh minh họa)

 

Dự thảo sửa đổi Thông tư 16 mới được lấy ý kiến là bản dự thảo đầu tiên. Thị trường đang chờ đợi sau góp ý sẽ có các chỉnh sửa? (ảnh minh họa)

 

Trước tiên nói về Thông tư 16/2021/TT-NHNN được Ngân hàng Nhà nước ban hành trước đây. 

 

Trong khoảng 5 năm cho đến 2021, khi thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) bùng nổ, các ngân hàng là một bên tích cực tham gia vào thị trường này và trở thành một trong những bên nắm giữ lớn nhất đối với TPDN. Trong đó, MBB, VPB, TCB, TPB là các ngân hàng tham gia sâu nhất vào thị trường này.

 

Theo FiinRatings, ngân hàng cùng với các công ty chứng khoán (Financial institutions) đang là bên nắm giữ trái phiếu lớn nhất với 44.33% trái phiếu riêng lẻ trên thị trường thứ cấp.

 

Trước Thông tư 16, quy định về đầu tư TPDN đối với ngân hàng còn khá lỏng lẻo và có thể gọi là còn nhiểu "lổ hổng" trong quản lý rủi ro. Nhiều ngân hàng và doanh nghiệp tận dụng TPDN như một cách "lách" các điều kiện về cho vay (do cho vay đã được quy định chặt chẽ) nhất là các điều kiện về (1) thẩm định phương án, (2) kiểm tra mục đích sử dụng vốn (3) đảo nợ.

 

Vì vậy, Thông tư 16 ra đời với sứ mệnh là kiểm soát rủi ro đối với việc đầu tư TPDN của hệ thống ngân hàng. Trong Thông tư 16, có nhiều quy định về quy định nội bộ, thẩm định phương án, quản lý mục đích sử dụng tiền phát hành và nhiều điều kiện chặt chẽ về TPDN mà ngân hàng được phép đầu tư.

 

Bản chất của Thông tư 16 là nhằm kiểm soát việc đầu tư TPDN của ngân hàng tương tự như khoản cho vay, phải bao gồm quy định nội bộ và kiểm soát đủ 3 khâu trước, trong và sau khi cho vay/đầu tư TPDN. Việc này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến thị trường TPDN khi nhiều doanh nghiệp sẽ không thể "lách" từ cho vay sang phát hành TPDN để ngân hàng mua như trước đây.

 

Do đó, trước nhiều khó khăn của thị trường TPDN, đã có nhiều ý kiến đề xuất sửa đổi Thông tư 16 nhằm giúp cho thị trường TPDN có thể "hồi sinh" và chúng ta thấy sự ra đời của Dự thảo này.

 

Vậy Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều và ngưng hiệu lực thi hành khoản 11 Điều 4 Thông tư số 16/2021/TT-NHNN ngày 10/11/2021 quy định về việc TCTD mua, bán trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) (gọi tắt Dự thảo sửa đổi Thông tư 16) đang được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) lấy ý kiến, có gì cần lưu ý?

 

- Thứ nhất: Dự thảo này tập trung vào việc làm rõ, chi tiết và hoàn thiện nhiều nội dung của Thông tư 16 nhằm tránh những "lỗ hổng" và những điều khoản chưa rõ ràng. Điều này rõ nhất khi Dự thảo nêu cụ thể hơn về quy định nội bộ của ngân hàng trong việc đầu tư TPDN, xác định phương án khả thi, nếu rõ việc kiểm tra, giám sát tiền thu từ phát hành TPDN là quyền và nghĩa vụ của ngân hàng.

 

- Thứ hai: Bổ sung thêm các quy định như quản lý đầu tư TPDN có mục đích bổ sung vốn lưu động, quản lý chặt dòng tiền liên quan đến TPDN, quy định hệ số nợ của doanh nghiệp phát hành, không cho đầu tư TPDN với mục đích hợp tác đầu tư.

 

- Thứ ba: Điểm mở của Dự thảo nằm ở quy định cho phép mua lại trái phiếu đã bán có điều kiện. Theo Thông tư 16, ngân hàng không được mua lại trái phiếu không niêm yết đã bán trong vòng 12 tháng, sau 12 tháng thì được phép mua lại nhưng với các điều khoản khá khắt khe.

 

Dự thảo sửa đổi cho phép tạm ngừng áp dụng khoản này đến hết ngày 31/12/2023. Qua đó từ nay đến hết 31/12/2023, các ngân hàng được mua lại trái phiếu đã bán (không cần đợi 12 tháng) nhưng vẫn phải tuân thủ các điều khoản chặt chẽ về điều kiện. Sửa đổi này theo chúng tôi là sẽ khó có tác động đủ lớn.

 

Theo đó, chúng tôi nhận định Dự thảo này mang tính quản lý chặt chẽ và làm rõ các điều khoản hơn là nếu "tháo bỏ" các điều kiện chặt chẽ. Một trong những điều khoản được các doanh nghiệp bất động sản kỳ vọng nhiều nhất là sửa đổi điểm a khoản 8 Điều 4 về mục đích phát hành TPDN để cơ cấu lại nợ vốn được Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) đề xuất sửa đổi hoặc ngưng hiệu lực thi hành đến hết 2024, thì đã không được cân nhắc trong Dự thảo này.

 

Với bài học "cục máu đông" 2011-2012 còn đó, NHNN sẽ khó lòng sửa đổi các điều khoản liên quan đến quản lý chất lượng tín dụng và Dự thảo này đang phản ánh đúng những quan điểm này của NHNN.

 

Do đó, với Dự thảo này, hiện chúng tôi cho rằng khó có sự đột phá cho thị trường TPDN với trái chủ là ngân hàng. Do đây chỉ là Dự thảo đầu tiên nên sẽ còn nhiều góp ý thay đổi trước khi được ban hành chính thức.

 

Tuy nhiên, nhìn tổng thể thì với thanh khoản hệ thống ngân hàng và tín dụng đã đỡ căng thẳng hơn cuối 2022, các thông điệp của NHNN cũng xoay chuyển từ hạn chế cho vay liên quan bất động sản sang hàm ý "hỗ trợ" hơn.

 

Các diễn biến gần đây cũng cho thấy thị trường TPDN đã có các bước phục hồi và rủi ro về các vụ "vỡ nợ" trái phiếu đã phản ánh nhiều vào thị trường, nên sẽ có cơ hội phục hồi sắp tới đối với thị trường TPDN, và điều này sẽ đến từ các diễn biến thực tế hơn là sự kỳ vọng lớn vào sửa đổi Thông tư 16.

 

 

Chia sẻ bài viết
Bài viết có nội dung liên quan