Tin tức
Tài chính Doanh nghiệp
Quản lý gia sản cá nhân: Tạo nền tảng dân trí tài chính
Quản lý gia sản cá nhân: Tạo nền tảng dân trí tài chính
datasource-prd
Họ và tên: FP. ThS Ngô Thành HuấnLĩnh vực: Tư vấn tài chính cá nhân, Tài chính doanh nghiệpCập nhật: 25-03-2024
Nâng cao năng lực quản lý tài chính cá nhân và tiến đến phát triển ngành quản lý gia sản vẫn đang là một phần của đích đến trong hành trình thực thi chiến lược tài chính toàn diện của quốc gia.

LTS: Phản ứng của nhiều khách hàng liên quan đến vụ việc nợ thẻ tín dụng thành nợ khủng gây xôn xao vừa qua chỉ là một “điển hình” trong nhiều trường hợp ứng xử thiếu hiểu biết về quản lý tài chính cá nhân.

 

Ông Ngô Thành Huấn - ThS, chuyên gia hoạch định tài chính cá nhân, thành viên Hội đồng chuyên gia của Hiệp hội Tư vấn tài chính Việt Nam (VFCA), TGĐ CTCP Tư vấn đầu tư và Quản lý tài sản (FIDT) trả lời phỏng vấn DĐDN.

 

Ông Ngô Thành Huấn,


Ông Ngô Thành Huấn, TGĐ FIDT

  

Cần học cách hành xử với tiền 

 

- Sau thông tin về vụ nợ thẻ tín dụng nhân thành nợ khủng, đâu đó thị trường cũng đã xuất hiện tâm lý lo lắng, rủ nhau kiểm tra tín nhiệm, thậm chí rủ nhau xóa thẻ để tránh… sót nợ. Những phản ứng như vậy theo ông cho thấy điều gì?

 

Trước hết, có thể nói những phản ứng như nêu của các khách hàng vừa qua, chỉ là “điển hình” cho rất nhiều trường hợp khách hàng trên thị trường hiện nay sử dụng các sản phẩm tài chính nhưng không nắm rõ về sản phẩm, cũng như không ý thức về trạng thái tài chính của mình.

 

Không chỉ có vậy, ở nhiều tình huống khác, khách hàng đang vô cùng “dễ tổn thương” từ sự cẩu thả của bản thân khi tiếp cận các sản phẩm trên thị trường tài chính hoặc từ chất lượng tư vấn của một số nhân viên bán hàng kém đạo đức. Như mua Bảo hiểm mà đọc rất ít hoặc mua vì mối quan hệ mà không hiểu thật sự tính chất của sản phẩm, khi có sự cố mới vỡ lẽ. Hoặc thường xuyên mất vốn trong các mô hình huy động vốn đa cấp, đất nền không có pháp lý, hoặc bị đánh tráo khái niệm khi tham gia vào sản phẩm trái phiếu mà “ngỡ” là sản phẩm tiền gửi lãi suất cao,…

 

Tất cả các trường hợp này, hầu hết đều xuất phát từ thiếu hiểu biết tài chính cá nhân. Và nguyên nhân gốc rễ nằm ở hệ thống giáo dục của chúng ta trước đây, các chương trình được thiết kế thiếu trầm trọng chất liệu về quản lý tài chính cá nhân. Những thế hệ từ 9x trở về trước, thiệt thòi vì không được tiếp cận các kiến thức và kỹ năng nền tảng về hoạch định tài chính cá nhân. Có thể nói họ là thế hệ bị “bỏ rơi” về giáo dục tài chính. Và hệ quả tất yếu là chúng ta có nhiều thế hệ đang đi sau, tụt xa về trình độ quản lý tài chính so với nhiều nước trên thế giới.

 

- Nhìn ở khía cạnh tích cực, liệu có thể lạc quan rằng chính sự tụt lại, sự sơ nguyên này sẽ là khoảng trống, dư địa cho ngành quản lý gia sản phát triển trong nay mai?

 

Dưới góc độ của người đã có tổ chức nhiều workshop về quản lí tài chính và thông qua khảo sát thực tế các khách hàng mà FIDT đang trực tiếp quản lý tài chính cho họ, tôi có thể nói rằng việc Việt Nam thường đứng khá tháp về dân trí tài chính cá nhân, theo dữ liệu của một số tổ chức khảo sát như Visa hay MasterCard thực hiện trong giai đoạn 2013-2015 là rất sát thực tế. Chính vì vậy Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Chính phủ đã phê duyệt đóng vai trò vô cùng quan trọng, là cơ sở để các kế hoạch thực thi có thể triển khai giúp Việt Nam cải thiện và thay đổi thực trạng này, mặc dù chúng ta đã bắt đầu khá chậm. Vì kinh tế tài chính của một quốc gia có phát triển vượt bậc được hay không đó là phải dựa vào từng tế bào, cụ thể là tài chính mỗi gia đình, phải bền vững trong việc tạo thu nhập, đầu tư, quản lý chi tiêu, bảo vệ tài chính.


 

2 điều kiện cần và 4 giải pháp đủ

 

- Điều kiện cơ bản để Việt Nam thay đổi thực trạng về dân trí tài chính cá nhân lúc này là gì, theo ông?

 

Có 2 điểm sẽ là tiền đề để thúc đẩy ngành quản lý gia sản, thúc đẩy tài chính toàn diện của đất nước.

 

Thứ nhất là dân trí tài chính, hiện tại sự quan tâm, thông qua việc tìm kiếm từ khóa “tài chính cá nhân”, kết quả tăng lên đáng kể trong vài năm qua. Các bạn trẻ cũng đã có sự quan tâm đến tài chính cá nhân với đa dạng về sản phẩm tài chính cá nhân trên thị trường. Khi đưa ra nhiều sản phẩm thì các định chế tài chính cũng đang tìm cách để nâng cao nhận thức của khách hàng, giúp khách hàng hiểu hơn về giá trị của sản phẩm trong bức tranh tài chính toàn diện, và cũng là để thúc đẩy việc phát triển doanh số.

 

Thứ hai là thu nhập của người dân. Có 2 quốc gia trong khu vực Đông Nam Á có thể xem là hình mẫu khá gần với Việt Nam, họ phát triển nghề tư vấn tài chính chuyên nghiệp thông qua việc mang về chứng chỉ danh giá nhất trong ngành Hoạch định tài chính cá nhân toàn cầu hiện nay là CFP (Certified Financial Planner) ở giai đoạn 2007-2011. Khi đó, GDP bình quân đầu người của họ chỉ khoảng 1.200 -1.500 USD. Hiện nay thu nhập bình quân đầu người của người Việt là khoảng 4.500 USD.

 

Ngoài ra, còn có một động lực giúp thúc đẩy cho dân trí tài chính và sự chuyên nghiệp của thị trường đó là sự chuyển đổi của các định chế tài chính. Nếu như 10-20 năm trước, các công ty bảo hiểm nhân thọ (BHNT) gọi lực lượng tư vấn của mình là Đại lý bảo hiểm thì nay tên gọi mới là Tư vấn tài chính BHNT. Bên ngành chứng khoán thì chuyển từ môi giới sang tư vấn quản lý gia sản, phía các Ngân hàng thì nâng cấp thành Chuyên viên tư vấn tài chính và quản lý gia sản khách hàng ưu tiên… Chúng ta thấy sự đổi tên không ngẫu nhiên, nó phản ánh xu thế của thời đại để đáp ứng sự thay đổi từ “chất” của khách hàng. Cụ thể đó là nhu cầu và yêu cầu của khách hàng về sản phẩm đã gia tăng, đã khó hơn, chuyên môn hơn rất nhiều và khách hàng cũng bắt đầu có sự gia tăng rõ rệt về hiểu biết và kinh nghiệm về tài chính không còn đơn thuần mua bảo hiểm, chơi cổ phiếu mà là hoạch định bức tranh tài chính.

 

Tương tự, 5 năm trở lại đây, ngân hàng đã bắt đầu phát triển dịch vụ “Priavate Banking” và “Priority Banking”. Đây là những dịch vụ mà các nhà quản lý gia sản sẽ khai thác và phát triển. Hiện dịch vụ này trên thị trường hầu như nhiều ngân hàng nào đã có, nhưng chỉ những ngân hàng thực sự mạnh, quy mô lớn hay có tính chất quốc tế như HSBC, Standard Chartered, trong nước có Techcombank, VPBank, BIDV… là những ngân hàng có đội ngũ đang thực sự định hướng hướng đến bồi dưỡng năng lực để khai thác dịch vụ này. Các định chế tài chính nói chung đang nhắm đến thị trường rất tiềm năng là thị trường quản lý gia sản. Một chuyên viên tư vấn và quản lý khách hàng ưu tiên tại ngân hàng (RM) có rất nhiều công cụ trong tay (tiền gửi, tín dụng, bảo hiểm, chứng chỉ quỹ, trái phiếu) và rất phù hợp để họ thay đổi cách tiếp cận từ thúc đẩy sản phẩm (Product Push) sang khách hàng là trọng tâm(Client-Centric).

 

- Vậy ông có kiến nghị gì về các giải pháp cụ thể cần có để thực thi Chiến lược tài chính toàn diện thực sự được toàn diện và mang đến cơ hội cho ngành quản lý gia sản?

 

Thứ nhất, gốc rễ vấn đề ở đâu thì cần xuất phát ở đó. Chúng ta có lỗ hổng về dân trí tài chính, nay đã bắt đầu cải thiện mạnh mẽ và toàn diện nhưng việc bắt đầu từ bây giờ sẽ giúp cho các thế hệ sau, từ thế hệ Gen Z có cơ hội để nắm bắt kiến thức, hòa nhập xu thế. Mặc dù hiện nay việc đưa kiến thức tài chính cá nhân vào phổ cập trong giáo dục vẫn đang chỉ mới sơ khởi, chẳng hạn như giáo trình ở một số SGK cho học sinh cấp 3 cũng mới chỉ vài trang, nhưng như vậy là đã có xuất phát. Rất may là 1 số trường Đại học cũng đã nhận thấy vấn đề này, chẳng hạn như Học viện Ngân hàng, ĐH Ngân hàng TpHCM, ĐH Văn Lang,… hiện đã cùng chúng tôi mở các chuyên ngành về Hoạch định tài chính cá nhân và Quản lý gia sản cho các sinh viên. Qua đó, kỳ vọng từ có kiến thức, hiểu biết, các thế hệ sau sẽ có phương cách hành xử đúng với tiền, loại bỏ hành vi, tâm lý đám đông và đảm bảo tài chính bền vững.

 

Thứ hai, đối với thế hệ người dân trước thế hệ 9X thì làm thế nào để họ thay đổi được gốc rễ kiến thức về tài chính cá nhân một cách phù hợp? Đây là bài toán đã được nước Mỹ hóa giải từ thập niên 70’s của thế kỷ 20, với việc thành lập chính thức các cơ sở giáo dục và chương trình đào tạo chính quy về Hoạch định tài chính cá nhân tại cấp Đại học và sau Đại học, để cho ra đời những thế hệ nhà tư vấn tài chính đúng nghĩa chứ không phải người bán sản phẩm tài chính mang tên gọi Tư vấn tài chính cho sang. Tiếp theo đó là giấy phép hành nghề Financial Advisor (Tư vấn tài chính), tương tự như Bác sĩ hay Luật sư. Và chính lực lượng làm nghề chuyên nghiệp này, sẽ cùng với Chính phủ hỗ trợ và thúc đẩy kiến thức tài chính toàn diện vào trong tầng lớp trung lưu, động lực chính của nền kinh tế, rồi từ đó lan tỏa sâu rộng vào toàn xã hội.

 

Đối với cả 2 vấn đề trên, tôi cho rằng đều cần sự mạnh mẽ quyết liệt hơn nữa của Chính phủ trong thực thi chiến lược tài chính toàn diện đã đề ra, tạo động lực thúc đẩy các trường ĐH đưa vào chuyên ngành đào tạo về tài chính cá nhân, các Trường cấp 3 cũng có nhiều hơn giờ học về tài chính cá nhân.

 

Thứ ba là về giấy phép của tư vấn tài chính cá nhân. Rõ ràng ngành tư vấn tài chính, dân trí và niềm tin về quản lý tài chính chỉ có thể có khi chất lượng tư vấn tài chính được kiểm chứng. Cần có sự quy định chuyên môn rõ ràng và pháp lý phù hợp về phạm vi tư vấn một người Đại lý bảo hiểm hay môi giới chứng khoán với Nhà tư vấn tài chính đúng nghĩa. Việc kiểm định, minh chứng là thể hiện qua giấy phép hành nghề. Việt Nam cần có trường đào tạo chuyên nghiệp, đi cùng là giấy phép chuẩn với mô hình giấy phép đảm bảo chứng minh đủ năng lực tư vấn về Quản lý gia sản như các nước phát triển họ đã triển khai khá giống nhau và từ lâu đời như Singapore hay Úc, gần thì có Thái Lan. Các nhà tư vấn, quản lý gia sản là những “bác sĩ” tài chính của xã hội sẽ góp phần giải quyết áp lực già hóa dân số đang tạo ra cho Quỹ BHXH, khi mà bài toán về Hưu trí tự nguyện theo Nghị định 88 vẫn còn quá xa vời với toàn bộ người dân.

 

Cuối cùng là đẩy mạnh tuyên truyền qua các kênh truyền thông để lan tỏa ý thức và kiến thức tài chính, góp phần tạo nền tảng nâng cao dân trí tài chính Việt Nam.

Trân trọng cảm ơn Ông!

 

FIDT - Tư vấn Đầu tư và Quản lý Tài sản

Chia sẻ bài viết
Bài viết có nội dung liên quan