Cần chuẩn bị tài chính để hưởng tuổi già sung túc trong khoảng ít nhất 30 năm nữa thông qua lập một kế hoạch tài chính cho giai đoạn nghỉ hưu. Đồ hoạ: Đức Mạnh
KẾ HOẠCH ĐỂ NGHỈ HƯU KHÔNG TRÔNG CẬY VÀO NGƯỜI KHÁC
Khi có một kế hoạch chi tiết và rõ ràng, bạn sẽ có được tuổi hưu bình an và sung túc, tránh được việc phó thác may rủi và phải trông cậy vào người khác. Vậy khi thiết lập một kế hoạch tài chính, việc đầu tiên cần làm là gì? Trao đổi với Lao Động, ông Ngô Thành Huấn - Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần FIDT - cho biết bạn nên xem xét, phân tích tình hình tài chính ở hiện tại cũng như các mục tiêu tài chính ở ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Ở độ tuổi chớm nghỉ hưu, các yếu tố quan trọng sau cần được đánh giá:
Các nguồn thu nhập chủ động và thụ động khi nghỉ hưu gồm những loại nào? (Độ ổn định và tăng trưởng của thu nhập cũng được chú trọng). Các chi phí dự kiến, đặc biệt lưu ý chi phí chăm sóc sức khỏe và chi phí du lịch là bao nhiêu?
Có những thay đổi nào trong phong cách sống, nơi ở… ảnh hưởng đến chi phí phát sinh? Dự kiến nguồn thừa kế được nhận và thừa kế lại cho người thân? Các mục tiêu tài chính trong tương lai là gì? Tài sản hiện có, khoản nợ chưa hoàn trả gồm những gì? Và sau cùng là đã có các phương án phòng ngừa rủi ro chưa?
Theo vị chuyên gia, tuổi thọ bình quân của người Việt hiện nay vào khoảng 75 tuổi và có thể cao hơn. Do vậy, chúng ta cần chuẩn bị tài chính để tận hưởng tuổi già sung túc trong khoảng ít nhất 30 năm nữa thông qua lập một kế hoạch tài chính cho giai đoạn nghỉ hưu. Hãy thực hiện bằng việc lập một dòng tiền theo thời gian cho toàn bộ vòng đời dự kiến, qua đó thể hiện:
Các nguồn thu nhập qua các năm, có tính đến khả năng tăng trưởng nguồn thu nhập. Nhu cầu chi tiêu cho bản thân (có tính đến mức lạm phát và lạm phát lối sống tương ứng vào các giai đoạn cụ thể). Các mục tiêu khác có liên quan đến tiền cũng tính đến trên dòng tiền. Điều quan trọng là cần theo dõi và cập nhật kết quả, tình hình đầu tư và tăng trưởng tài sản.
"Thông qua việc lập kế hoạch tài chính, chúng ta có thể đánh giá được tính khả thi của kế hoạch. Nếu không đạt thì cần điều chỉnh lại mục tiêu tài chính khi nghỉ hưu. Điều này không phải chỉ để nhìn thấy bức tranh tài chính mà thông qua đó, chúng ta thực hiện các bước đầu tư, tiết kiệm, tái cơ cấu tài sản ở những thời điểm cần thiết" - ông Huấn chia sẻ.
Ông Ngô Thành Huấn cho rằng mỗi người nên tự đánh giá tính khả thi của kế hoạch nghỉ hưu, sau đó thực hiện các bước tiết kiệm, tái cơ cấu tài sản ở những thời điểm cần thiết. Ảnh: Đức Mạnh
TRƯỚC KHI ĐẦU TƯ CẦN LẬP QUỸ DỰ PHÒNG
Theo ông Ngô Thành Huấn, trước khi đầu tư, bạn cần phải lập một quỹ dự phòng cho 6 - 12 tháng chi phí, sau đó gửi tiết kiệm kỳ hạn 1 tháng để đảm bảo cho các nhu cầu đột xuất trong chi tiêu, khám chữa bệnh… nếu có. Mức lập dự phòng cao hay thấp sẽ tùy thuộc vào mức thu nhập và tính ổn định của thu nhập. Nếu không chuẩn bị cho một quỹ dự phòng, khi cần tiền phải bán gấp tài sản thì phải bán với giá rẻ, gây bất ổn cho tuổi về hưu.
Bên cạnh đó, lợi nhuận từ đầu tư cần đảm bảo mang lại dòng tiền đều đặn. Đầu tư nên hướng vào những kênh an toàn, hiệu suất lợi nhuận ổn định. Hạn chế đầu tư vào những kênh đầu tư mang tính rủi ro cao với biên độ lợi nhuận dao động mạnh. Danh mục đầu tư cũng cần đa dạng để phân tán rủi ro, đồng thời luôn sẵn sàng những phương án phòng ngừa rủi ro nếu có.