Tin tức
Tài chính cá nhân
Tiền trong dân rất nhiều, làm sao chảy vào các quỹ đầu tư?
Tiền trong dân rất nhiều, làm sao chảy vào các quỹ đầu tư?
datasource-prd
Họ và tên: FP. ThS Ngô Thành HuấnLĩnh vực: Tư vấn tài chính cá nhân, Tài chính doanh nghiệpCập nhật: 10-12-2024
(VNF) - Nguồn vốn trong dân là rất lớn, để dòng tiền này chảy vào các quỹ, tạo nguồn lực cho phát triển kinh tế, ông Ngô Thành Huấn, Giám đốc điều hành FIDT cho biết cần nâng cao dân trí tài chính, song song với đó phát triển thế hệ tư vấn tài chính cá nhân (Financial Advisor)

Kỳ vọng mức lợi nhuận đầu tư còn sai lệch

 

Theo ông Ngô Thành Huấn, tại các nước phát triển, có sự nhận thức về dân trí tài chính cao, thị trường bền vững, kỳ vọng về 1 khoản lợi nhuận trong đầu tư đã được vạch ra khuôn khổ. Ví dụ ở Úc, nhà đầu tư (NĐT) đặt ra 1 mức kỳ vọng 7-8%/năm thì sẽ biết phân bổ tài sản vào chứng chỉ quỹ, trái phiếu, ETF… với tỷ trọng bao nhiêu.

 

Ở Việt Nam, có một thực tế hiện nay nhận thức về tài chính và kỳ vọng đầu tư có sự khác biệt rất lớn, kỳ vọng lợi nhuận còn nhiều sai lệch bắt nguồn từ dân trí tài chính còn chưa tốt.

 

Ông Huấn ví dụ, một NĐT mong muốn lợi nhuận mức 30 – 40%/năm, để đạt được các mục tiêu tài chính như du học, hưu trí ở tuổi 50 tuổi. Nhưng khi được tư vấn, đã phát hiện ra rằng chỉ cần mức lợi nhuận 10%, có thể đạt đủ các mục tiêu đặt ra.

 

Ở chiều ngược lại, một số NĐT chia sẻ rằng mức lợi nhuận họ đã đầu tư một năm khoảng 20-30%, nhưng theo quy tắc 72 của tài chính vĩ mô, nghĩa là với tốc độ tăng trưởng bình quân 10%/năm thì sau 7 năm tài sản sẽ tăng gấp đôi. Thực tế, kể cả bao gồm cả dòng tiền thặng dư hàng tháng của NĐT, và tốc độ tăng trưởng 20% nhưng 8 năm tài sản chưa gấp đôi.

 

“Bản chất tài sản chỉ tăng 4-5%, mức này vẫn thấp hơn so với việc đầu tư vào chứng chỉ quỹ mở, hoặc chứng chỉ Quỹ trái phiếu”, ông Huấn nói thêm.

 

Ông Ngô Thành Huấn, Giám đốc điều hành FIDT

 

Ngoài lý do nêu trên, ông Huấn cho rằng còn liên quan đến chu kỳ của từng loại tài sản.  

 

Ví dụ, có một thực tế nhiều nhà đầu tư vàng từ 2013 – 2019 đã chôn vốn 9 năm. Cụ thể, giá vàng mua lúc giá cao nhất năm 2013 khoảng 48 triệu đồng/lượng, sau đó giảm xuống 36 triệu, và mãi đến năm 2019 mới quay lại giá 48 triệu đồng.

 

Như vậy, giả sử NĐT mua 1 tỷ đồng vàng 2013, đến năm 2019 thì vẫn là 1 tỷ đồng, trong khi số tiền đó đem gửi ngân hàng đã có khoảng 2,1 tỷ đồng, mua một căn hộ có thể tài sản đã là 3 tỷ đồng.

 

“Do vậy, bài toàn ở đây là khả năng quản lý tài chính cá nhân của người dân Việt Nam”, vị chuyên gia FIDT khẳng định.

 

Cần một thế hệ Tư vấn tài chính (Financial Advisor)

 

Cũng theo ông Huấn, đối với những chính sách, thông tin vĩ mô về tài chính kinh tế cho NĐT chuyên nghiệp, phần lớn 100 triệu dân Việt Nam họ chưa quan tâm và chưa hiểu rõ.

 

Và chỉ có một cách để giao tiếp với họ, giống như nước Mỹ những năm 1970 đã triển khai đó là phát triển đội ngũ Financial Advisor để giúp cho người dân biết họ đầu tư vào quỹ mở cổ phiếu, trái phiếu thì tương lai sẽ như thế nào, con cái họ ra sao, khi nghỉ hưu sẽ có tài sản bao nhiêu.

 

“Cần một cố vấn tài chính để giúp người dân đạt được mục tiêu tài chính”, ông Huấn nhấn mạnh.

 

Chính vì vậy, ông Ngô Thành Huấn nêu quan điểm, để dẫn dắt được dòng vốn cá nhân đưa vào các Quỹ, phù hợp với khẩu vị rủi ro, năng lực và nhận thức đầu tư của mỗi cá nhân, cần có 1 lực lượng trung gian rất quan trọng đó là tư vấn tài chính. Những người sẽ chuyển tiếp các kiến thức, các quyết sách về vĩ mô, thành các ngôn ngữ tài chính dễ hiểu.

 

“Thậm chí một bà bán trà đà vỉa hè cũng có thể hiểu được vì sao họ cần làm như vậy”, ông Huấn ví von.

 

Để dòng vốn người dân chảy vào các Quỹ, tạo nguồn lực cho phát triển kinh tế, cần một thế hệ tư vấn tài chính cá nhân (Financial Advisor)

 

Do đó, việc dẫn dắt các dòng vốn đi vào các định hướng của chính phủ, các cơ quan quản lý và các định chế tài chính mong muốn sẽ dễ hơn rất nhiều khi giải quyết được bài toán này. Từ đó, đưa dòng vốn của mỗi gia đình vào thị trường vốn, góp phần sự phát triển chung của thị trường những năm tới.

 

Ông Huấn cũng nói thêm, trong quãng thời gian trước, tại Việt Nam chưa đặt sự quan tâm tới việc giáo dục tài chính cá nhân, nhưng hiện tại, Chính phủ đã có những động thái rất rõ ràng về lĩnh vực này.

 

Sách giáo khoa cho học sinh phổ thông trung học đã có từ 7-20 trang nói về quản lý tài chính cá nhân, các tổ chức, ngân hàng có những hội thảo và chương trình liên quan tới vấn đề này. Đặc biệt, ngành bảo hiểm nhân thọ có những động thái về hoạch định tài chính cá nhân, dựa trên kết quả nghiên cứu cho thấy nếu có kiến thức, người dân sẽ không còn những hiểu biết sai lệch về bảo hiểm nữa.

 

“Khách hàng am hiểu về tài chính cá nhân, tự nhiên họ sẽ không còn “ghét” bảo hiểm” ông Huấn nhấn mạnh.

 

Do đó, theo ông Huấn, đi cùng với bức tranh phát triển kinh tế, việc nâng cao ý thức người dân cũng góp phần tô điểm cho tác phẩm này thêm rực rỡ.

 

Hiện ở TP. Hồ Chí Minh đã có Đại học Ngân hàng và Đại học Văn Lang, trong khi đó ở Hà Nội có Học viện Ngân hàng là đơn vị đào tạo chính quy có chuyên ngành về Hoạch định tài chính cá nhân, để cho ra đời thế hệ Financial Avisor đầu tiên cho thị trường. Cùng bức tranh về phát triển kinh tế, nâng cao nhận thức của người dân về tài chính cá nhân sẽ góp phần nâng hạng thị trường vốn.

 

Nói thêm về giáo dục tài chính cá nhân, ông Phạm Lưu Hưng từ SSI cho biết việc giáo dục tài chính cá nhân cần được lặp đi lặp lại để các bạn trẻ, sinh viên ngày nay thực sự hiểu, có thể thực hành về vấn đề này, chứ không thể chỉ mở ra những chương trình ngắn hạn. Bởi lẽ, những chương trình ngắn hạn và thiên về lý thuyết có thể khiến những người trẻ hiểu nhanh và quên nhanh, nhưng lại bối rối khi thực hành.

 

FIDT - Tư vấn Đầu tư và Quản lý Tài sản

Chia sẻ bài viết
Bài viết có nội dung liên quan