Tin tức
Tài chính cá nhân
Cách chi tiêu trước và sau Tết để tránh tiền thưởng “không cánh mà bay”
Cách chi tiêu trước và sau Tết để tránh tiền thưởng “không cánh mà bay”
datasource-prd
Họ và tên: FP. ThS Ngô Thành HuấnLĩnh vực: Tư vấn tài chính cá nhân, Tài chính doanh nghiệpCập nhật: 08-02-2024
Cân đối và có kế hoạch dài hạn sẽ gián tiếp hỗ trợ bạn có một mùa Tết thoải mái thay vì phải thắt chặt. Làm nhiều nhưng không thấy tiền là do không có kế hoạch, không có quỹ cho các khoản chi phí phát sinh, đặc biệt là phát sinh dịp lễ/Tết.

 

Tet-1.jpeg

 

Thông thường, ngày Tết dù có quản lí hay phân bổ thì cảm xúc và nhu cầu chi tiêu vẫn sẽ đột biến. Ảnh: Đức Mạnh

 

Vừa được thưởng Tết gần 80 triệu đồng, chị Anh Trang (Cầu Giấy, Hà Nội) đã chuyển ngay một nửa số tiền cho bố mẹ ở quê. Chị dành hơn 30 triệu để mua máy tính và 10 triệu tiết kiệm để tháng sau đi du lịch.

 

Ngồi nhìn lại chẳng còn gì, chị Trang thở dài: “Nghĩ lại mình vẫn chưa mua được gì cho bản thân như quần áo mới, mỹ phẩm, đồ ăn… mà tiền thưởng đã hết sạch. Cảm giác có tiền là muốn tiêu luôn nên đôi khi cũng chẳng có dư ra được bao nhiêu”.

 

Thực tế việc tiền thưởng Tết vừa mới về tới tài khoản đã tiêu hết không chỉ với An Trang mà còn với nhiều người trẻ khác. Vì sao thu nhập ổn nhưng chưa lúc nào thấy dư, đặc biệt sau mỗi dịp Tết phải quay ra trả nợ là câu hỏi không của riêng ai.

 

Theo ông Ngô Thành Huấn - Giám đốc điều hành CTCP Tư vấn Đầu tư và Quản lý Tài sản FIDT, thông thường, cốt lõi của việc quản lí chi tiêu giúp chúng ta có dư nhưng với người trẻ, đặc biệt là người trung lưu từ 30 - 40 tuổi có thói quen chi tiêu trước, cuối tháng dư bao nhiêu mới để dành. Về cơ bản, việc chi tiêu như vậy không phù hợp về mặt kĩ thuật và phương pháp.

 

“Tầm quan trọng của việc xây dựng kế hoạch tài chính giúp bạn biết bản thân nên làm gì, ứng biến ra sao để không rơi vào tình trạng khó khăn, bất ngờ hay không đạt được mục tiêu đã đặt ra. Nếu có tư duy, không chỉ dịp Tết mà ngày thường bạn cũng có thể chủ động cho việc chuẩn bị kế hoạch tài chính. Về cơ bản, chúng ta thường chia quá nhiều chiếc lọ để chi tiêu, tuy nhiên, tính ứng dụng chưa cao. Tôi đề xuất nên chia 3 chiếc lọ gồm tiết kiệm, thiết yếu và hưởng thụ, trong đó 15% cho tiết kiệm, 15% cho hưởng thụ, còn lại 70% cho thiết yếu” - ông Huấn cho biết.

 

Vị chuyên gia tài chính cá nhân nhấn mạnh về việc nên tiết kiệm ngay từ bước đầu. Điều này sẽ giúp bạn không gặp tình trạng lo lắng, bồn chồn khi lỡ tiêu xài quá mức và không biết còn dư tiền hay không. Đồng thời không nên cố gắng tập trung vào ghi chép mà nên tư duy về phương pháp phân bổ dòng tiền.

 

Bên cạnh đó, ông Huấn cho biết, thông thường, ngày Tết dù có quản lí hay phân bổ thì cảm xúc và nhu cầu chi tiêu vẫn sẽ đột biến. Về mặt tổng thể bức tranh tài chính cá nhân, luôn có một thứ mà các bạn trẻ mất sự phản xạ chính là quỹ dự phòng.

 

“Mỗi người nên chuẩn bị quỹ này ở mức 3 - 6 tháng chi tiêu và trả nợ vay nếu có. 3 tháng nếu bạn đã có cơ chế chăm sóc sức khoẻ như bảo hiểm… Nếu chưa có nên tiết kiệm tối thiểu 6 tháng. Khi hết Tết và quay trở lại làm việc, các bạn nên tiếp tục tạo một quỹ dự phòng như vậy” - vị chuyên gia nhắn nhủ.

 

Mùa Tết là mùa để cùng nhìn lại và tận hưởng thành quả của một năm đã qua và đón chào năm mới. Vì vậy, mỗi người nên xác định phương pháp quản lý chi tiêu phù hợp và không để bản thân phải lo lắng quá nhiều khi đang dùng tiền do chính mình tạo ra.

 

 

 

FIDT - Tư vấn Đầu tư và Quản lý Tài sản

Chia sẻ bài viết
Bài viết có nội dung liên quan